Lộc Bình chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo việc làm, nâng thu nhập, giúp người dân thoát nghèo. Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Lộc Bình đã chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Nhờ đó, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.
Huyện Lộc Bình có 21.642 hộ với trên 87.000 nhân khẩu, lực lượng lao động của huyện là trên 56.800 người, số lao động có việc làm trên 53.400 người, trong đó lao động có việc làm chủ yếu trong các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm hơn 70%, thu nhập thấp, không ổn định. Để giải quyết việc làm cho LĐNT, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản qua các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ... các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã chú trọng đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là các nghề phi nông nghiệp.
Bà Hoàng Thị Thuý, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2024, huyện Lộc Bình dự kiến sẽ đào tạo nghề cho khoảng hơn 1.000 lao động, trong đó đào tạo nghề cho LĐNT là 350 học viên. Để thực hiện được các mục tiêu này, UBND huyện đã giao các phòng chuyên môn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu, tuyên truyền về chương trình học nghề, định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn huyện... để người dân nắm bắt, đăng ký. Cùng đó phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của người dân.
Tháng 5/2024 vừa qua, 35 học viên là nông dân thôn Dinh Chùa, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình đã tích cực tham gia các buổi thực hành kỹ thuật chăn nuôi gà của lớp đào tạo nghề cho LĐNT do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức. Ông Vi Văn Thỏa, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình chia sẻ: Khi tham gia học nghề, chúng tôi được học lý thuyết và thực hành trực tiếp với phương châm “cầm tay chỉ việc”. Trong quá trình học chúng tôi được hướng dẫn cụ thể phương pháp xây dựng chuồng trại, kỹ thuật nuôi, cách phòng trị bệnh cho gà. Sau khi kết thúc lớp học, chúng tôi có thêm kiến thức để áp dụng và thực hiện vào chăn nuôi hiệu quả hơn.
Thực hiện chương trình đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Lộc Bình, hằng năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã phối hợp với các đơn vị xây dựng chương trình kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn.
Bà Dương Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lộc Bình cho biết: Trên cơ sở phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt nhu cầu của LĐNT, trung tâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức các lớp nghề phù hợp với nhu cầu, thời gian học của người dân. Tính đến hết 6 tháng năm 2024, trung tâm đã phối hợp tổ chức được 8 lớp nghề cho 178 LĐNT, gồm 2 lớp kỹ thuật chăn nuôi gà, 5 lớp tin học, 1 lớp tiếng Trung Quốc. Sau khi kết thúc các lớp đào tạo, khoảng 80% học viên có việc làm cũng như có thêm kỹ năng, kiến thức để phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập.
Bà Hoàng Thị Hải, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Hiện nay, các huyện đã và đang tiếp tục triển khai các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó, Lộc Bình là một trong những huyện tổ chức triển khai sớm và đã đạt được khoảng 50% kế hoạch đào tạo mà huyện đề ra. Tin tưởng rằng qua các lớp nghề này sẽ giúp người dân có thêm kỹ năng, kiến thức và ứng dụng hiệu quả trong thực tế.
Theo số liệu của UBND huyện Lộc Bình, hết năm 2023, trên địa bàn huyện còn trên 3.100 hộ nghèo, cận nghèo . Để tiếp tục giảm số hộ nghèo, cận nghèo, từ nay đến hết năm 2024, UBND huyện tiếp tục thực hiện giải pháp chú trọng đào tạo nghề cho LĐNT, giải quyết vấn đề việc làm cho người dân. Qua đó nhằm nâng chất lượng lao động ở nông thôn, giúp LĐNT có kỹ năng, ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế của gia đình, từng bước tăng thu nhập, góp phần vào kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2024 của huyện, của tỉnh đã đề ra.
Ý kiến ()