Lộc Bình chủ động phòng, chống cúm gia cầm H7N9
LSO-Lộc Bình là một huyện biên giới nên tình trạng nhập lậu, vận chuyển gia cầm qua địa bàn luôn diễn biến phức tạp, có nguy cơ phát sinh và lây lan cao dịch cúm gia cầm. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, huyện đã phát hiện gia cầm dương tính với cúm A/H5N1.
LSO-Lộc Bình là một huyện biên giới nên tình trạng nhập lậu, vận chuyển gia cầm qua địa bàn luôn diễn biến phức tạp, có nguy cơ phát sinh và lây lan cao dịch cúm gia cầm. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, huyện đã phát hiện gia cầm dương tính với cúm A/H5N1. Mặc dù thời điểm này đã được khống chế an toàn nhưng trước những nguy cơ xâm nhập của loại dịch cúm mới là chủng A/H7N9 thì công tác phòng chống dịch cúm gia cầm càng trở nên cấp thiết.
Các lực lượng chức năng thu giữ gia cầm nhập lậu Ảnh: Đông Bắc |
Ông Chu Xuân Chất, Trưởng Trạm thú y huyện cho biết: Trước nguy cơ xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, trạm đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch chủ động nguồn lực ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi không mua bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam.
Được biết, hiện nay toàn huyện Lộc Bình có trên 350 nghìn con gia cầm với hàng trăm hộ kinh doanh, chăn nuôi gia cầm lớn, nhỏ. Đây cũng là thời gian cao điểm các hộ dân nhập gia cầm giống về chăn nuôi. Do vậy, để đảm bảo lượng gia cầm an toàn không dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, Trạm Thú y huyện đã chủ động tiêm phòng vắc xin cho 16.740 lượt gia cầm và phun thuốc khử trùng tiêu độc đạt khoảng 15.000 m2 tại các điểm tập trung buôn bán gia súc, gia cầm, khu vực giết mổ động vật và khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao. Tính riêng tháng 5/2013, trạm đã phun 28 lít thuốc tiêu độc khử trùng trên diện tích hơn 26.840 m2 tại 3 xã, thị trấn (thị trấn Lộc Bình, Na Dương và xã Đồng Bục) với tổng số 26 thôn và 657 hộ dân. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu gia cầm qua biên giới. Bên cạnh đó, trạm còn chỉ đạo các thú y viên cơ sở tích cực nắm bắt tình hình, tuyên truyền các hộ chăn nuôi và hộ dân không vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời chủ động nắm bắt, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vận động các hộ chăn nuôi khi phát hiện ra dịch bệnh cần nhanh chóng khai báo với cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Na Dương cho biết: Để nâng cao nhận thức của người dân về dịch cúm gia cầm H7N9, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã tổ chức cuộc họp tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch cúm gia cầm, vận động người dân không buôn bán gia cầm từ nơi khác về địa bàn. Đến thời điểm này, tại các chợ không có trường hợp nào buôn bán gia cầm từ biên giới về đây.
Với nỗ lực của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, nhận thức của người dân nói chung, trong đó có người kinh doanh gia cầm từng bước được nâng lên. Chị Nguyễn Thị Thương, người bán gia cầm tại chợ huyện cho biết: Trong quá trình buôn bán, chị được cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ về cách thức phòng chống dịch bệnh lây lan qua gia cầm. Hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, những người mua bán, giết mổ gia cầm ở đây luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chú ý không nhập giống gia cầm có nguồn gốc không rõ ràng.
Cán bộ Trạm thú y tiêm phòng cúm gia cầm tại chợ huyện Lộc Bình |
Tuy nhiên hiện nay, năng lực sản xuất con giống của huyện còn hạn chế, chỉ đáp ứng từ 20 đến 30% nhu cầu chăn nuôi. Cho nên việc nhập, vận chuyển gia cầm từ các địa phương khác, nhất là qua biên giới là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm cũng như vệ sinh, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh cũng chưa thực sự được các hộ chăn nuôi quan tâm đúng mức. Trước thực trạng đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì mỗi hộ kinh doanh, chăn nuôi cần nâng cao ý thức trong việc thực hiện các quy định về vận chuyển, tiêm phòng và vệ sinh đàn gia cầm. Thêm vào đó, mỗi người dân cần là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn và sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm, mạnh dạn vứt bỏ, không tiêu thụ những con gia cầm yếu, nghi có bệnh để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, góp phần phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()