Loay hoay tìm hướng đi cho hệ thống trường ngoài công lập
– Xã hội hoá giáo dục, phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập là một chủ trương đúng nhưng đến nay quá trình triển khai vẫn rối như “gà mắc tóc”.
Ngày 26-9, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) tổ chức đánh giá 20 năm hoạt động của các trường với sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia giáo dục.
Chưa như kỳ vọng
Theo GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, thực hiện chủ trương xã hội hoá, từ năm 1988, trường ĐH NCL đầu tiên ra đời. Ngay từ khi đề ra chủ trương xây dựng, trường ĐH NCL đã có hai sứ mệnh là: Huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, hình thành các cơ sở đào tạo, đồng hành cùng các trường ĐH công lập phát triển mạnh mẽ nền giáo dục ĐH Việt Nam; bằng cơ chế tự chủ cao và tự lực cánh sinh, xây dựng mô hình quản lý năng động, hiểu quả. Những năm 90 thế kỳ XX về trước, nước ta đã thành lập 15 trường ĐH NCL thuộc “lớp” thứ nhất phát triển từ con số không nhưng đến nay phần lớn đã khẳng định được vị thế của mình. “Lớp” thứ hai thành lập các trường không phải đi từ con số không mà nhiều trường được đầu tư lớn khang trang hiện đại, có những đóng góp quan trọng cho phát triển giáo dục ĐH.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Bùi Văn Ga đánh giá: Trong hơn 20 năm qua, các trường ĐH, CĐ NCL đã có đóng góp lớn trong sự nghiệp GD và ĐT của đất nước. Trong điều kiện đầu tư của nhà nước về GD và ĐT còn rất hạn chế thì đóng góp của xã hội hoá giáo dục của hơn 80 trường ĐH, CĐ NCL mang lại kết quả rất quan trọng giúp cho nước ta đào tạo kịp thời nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Nhiều trường ĐH, CĐ NCL có uy tín, cạnh tranh tốt, thu hút được đông đảo sinh viên theo học. Hệ thống các trường NCL đã giúp quản lý nhà nước về giáo dục ĐH trong việc ban hành chủ trương, chính sách cũng như điều chỉnh quy định quy chế kịp thời, góp phần hỗ trợ phát triển của các trường.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận hơn 20 năm qua đã có nhiều cơ chế chính sách được ban hành không đồng bộ khiến cho các trường NCL hoạt động khó khăn. Điều đó chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy nhiều trường khó khăn, không tuyển sinh được; cơ sở vật chất sau gần 20 năm hoạt động vẫn chủ yếu chỉ đi thuê mượn, không có trụ sở riêng như cam kết khi thành lập. Nhiều trường còn xảy ra mất đoàn kết nội bộ kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
GS.TS Trần Hồng Quân Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL thẳng thắn cho rằng, hiện nay còn khoảng 15 trường NCL hoạt động khó khăn, trong đó có một số trường làm ăn không đàng hoàng, vi phạm các quy định và pháp luật, cần có chế tài xử lý.
Đâu là hướng đi thích hợp
Thời gian tới GD và ĐT nước ta đứng trước nhiều thách thức. Trong đó thách thức gần nhất là đến năm 2015 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành thì lực lượng lao động các nước trong khối được dịch chuyển tự do. Vì vậy nếu không đào tạo nguồn nhân lực tốt, phù hợp chuẩn mực chung của ASEAN thì thị trường lao động nước ta có nguy cơ thất bại ngay trên “sân nhà”. Vì vậy, việc huy động nguồn lực từ xã hội cho phát triển GD và ĐT là xu thế tất yếu.
Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, dự kiến đầu 2014 Bộ GD và ĐT sẽ xây dựng dự thảo Khung trình độ quốc gia chỉ rõ năng lực đào tạo từng cấp, bậc học làm sao để nhân lực cạnh tranh được với thị trường lao động. Các trường dù công lập (CL) hay NCL cũng phải đào tạo theo chuẩn mực, khung trình độ.
Mặt khác, Bộ GD và ĐT đang soạn thảo và trình Chính phủ ban hành về phân tầng giáo dục ĐH không phân biệt trường CL hay NCL. Đó là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các trường, nhất là các trường NCL phát triển, cạnh tranh bình đẳng với nhau. Các trường cần xác định chiến lược phát triển bền vững, lâu dài; đầu tư trường ĐH phải tính đến hàng chục năm đến hàng trăm năm chứ không phải là đầu tư vài năm.
Trong khi đó, GS.TS Trần Hồng Quân thì cho rằng, quản lý nhà nước và xã hội đang có cái nhìn thiên lệch về các trường ĐH, CĐ NCL.
“Bộ GD và ĐT cũng như xã hội rất ít ghi nhận những thành công của các trường NCL. Nếu thấy trường nào đó không tuyển sinh được thì đừng vội quy trường đó là làm ăn không đàng hoàng, chất lượng kém”- ông Quân chia sẻ.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì cho rằng: Cần nhìn nhận trách nhiệm trực tiếp cho những hạn chế của giáo dục ĐH, nhất là các trường ĐH, CĐ NCL là do Bộ GD và ĐT chưa giải quyết tốt các vấn đề khó khăn từ thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên cũng cần tính đến trách nhiệm của từng trường ĐH, CĐ NCL vì sao có trường làm tốt, có trường không làm tốt.
Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề phát triển giáo dục ĐH, GS Trần Phương, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Nhà nước chỉ nên bao cấp những ngành đặc biệt quan trọng còn nên để các trường tự chủ, tránh bao cấp quá nhiều cho các trường CL. Riêng các trường ĐH, CĐ NCL hiện nay nên chuyển sang phi lợi nhuận vì tất cả những những trường NCL lủng củng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo là do ăn chia. Mặt khác, mở rộng đối tượng góp vốn và những người góp vốn đều làm chủ không nên để một số người “thống trị” còn người khác tự coi mình là “đi làm thuê” trong các trường. Đáng chú ý, về cơ chế chính sách cần thay đổi quy định trường NCL “biểu quyết theo vốn” như các công ty kinh doanh. Vì nếu ai đó nắm giữa vốn lớn là quyết định sẽ không phù hợp với giáo dục.
“Một GS góp vốn 10 triệu, trong khi chỉ một nhân viên tài vụ có 100 triệu thì làm sao nhân viên tài vụ biểu quyết vấn đề phát triển giáo dục cao hơn GS được” – GS Trần Phương chia sẻ. Mặt khác, quy định trường ĐH, CĐ NCL chỉ có hội đồng quản trị mà số lượng uỷ viên không quá 11 người là bất hợp lý. Vì khống chế chỉ có 11 người thì không thể đủ đại diện các nhà khoa học trong đó để giải quyết những vấn đề phát triển cho các trường ĐH, CĐ NCL được.
Ý kiến ()