Loay hoay tìm cách diệt trừ sâu ong
Mỡ là cây trồng rừng sản xuất thông dụng ở Bắc Cạn, cho hiệu quả kinh tế, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế ở địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua nạn sâu ong hoành hành hại cây mỡ khiến rừng trồng không phát triển được, làm cho người trồng lo lắng, hoang mang và không muốn tiếp tục phát triển rừng.
Lây lan “chóng mặt”
Cuối năm 2011 sâu ong xuất hiện, gây hại 17 ha rừng trồng cây mỡ ở thị trấn Bằng Lũng và xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn. Những vạt rừng mỡ mới trồng hai, ba, bốn năm tuổi đang kép tán đến cây trưởng thành đều bị chúng ăn hết búp non, ăn trụi lá chúng chuyển sang ăn vỏ làm cây mỡ không phát triển được.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN và PTNT) Đặng Văn Sơn cho biết: Bà con nông dân trồng rừng mỡ để lấy gỗ nên rất cần cây vươn cao, nhưng khi đang phát triển thì sâu ong ăn cụt búp, trụi lá làm cho cây không phát triển được, thành cây “bụi”( thấp) khiến người trồng chán nản.
Chỉ sau đó một năm, sâu ong lan ra hầu hết các xã ở huyện Chợ Đồn, lan ra cả huyện Chợ Mới ở lân cận làm 588 ha rừng bị gây hại; năm 2013 tăng lên 1.288 ha và đến nay tăng lên khoảng hai nghìn ha bị gây hại. Nhìn những vạt rừng trồng đang lên xanh tốt mà chỉ sau một thời gian ngắn bị sâu ong “chén” trụi lá, gặm hết vỏ trở nên xác sơ, thân cành chuyển màu đỏ, không phát triển được. Mỗi ha được nhà nước đầu tư khoảng bốn triệu đồng, biết bao mồ hôi công sức trồng, chăm sóc và hy vọng của hàng ngàn hộ nông dân đều tan biến.
Sâu ong đã lây lan ra bảy trong tổng số tám, huyện thị trong tỉnh. Chưa dừng lại ở đó, hiện nay sâu ong đang phát triển rất mạnh, đang có xu hướng lây lan rộng, uy hiệp tổng số khoảng 40 nghìn ha rừng trồng mỡ của tỉnh. Nông dân đang chán nản, những năm tới không muốn phát triển rừng mỡ nữa.
Chưa có biện pháp diệt trừ hiệu quả
Thời gian qua tỉnh Bắc Cạn đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp, nhiều huyện trong tỉnh thành lập banchỉ đạo, ban hành chính sách nhằm diệt trừ sâu ong.
Khuyến khích nhân dân bắt sâu ong, hầu hết các huyện trong tỉnh đều ban hành chính sách “mua” sâu ong. Chỉ trong năm 2013 và từ đầu năm 2014 đến nay, các huyện trong tỉnh “mua” được 18,4 tấn sâu, nhộng, trứng sâu ong. Ban đầu, nhiều huyện “mua” với giá 100 nghìn đồng, sau đó lần lượt giảm xuống 50 nghìn đồng, đến nay có huyện giảm xuống còn 15 nghìn đồng, có huyện bỏ chính sách này, vì lượng sâu ong bắt được quá nhiều, ngân sách các địa phương không “chịu” nổi.
Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Chợ Đồn Ma Đình Tuyến cho biết: Khi huyện ban hành chính sách thu mua sâu ong, bà con nông dân lũ lượt gánh, dùng xe máy vận chuyển sâu ong đến các điểm thu mua. Lượng sâu ong quá lớn, làm thâm thủng ngân sách của huyện nên chúng tôi không thực hiện chính sách này nữa.
Cùng với bắt thủ công, các huyện trong tỉnh chỉ đạo nông dân rắc thuốc trừ sâu lên đất rồi cuốc đất lên để diệt trừ sâu ẩn nấp dưới mặt đất. Tuy nhiên, rừng rộng lớn, thiếu nhân lực nên biện pháp này không mang lại hiệu quả.
Không cuốc được đất thì các địa phương dùng thuốc trừ sâu phun lên cây. Song, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, cây cao phun không tới, nhiều nơi không có nước nên biện pháp này cũng không mang lại hiểu quả như mong muốn. Đã có 8,9 tấn thuốc trừ sâu được phun lên cây, rắc, trộn trong đất gây ô nhiễm môi trường mà sâu thì không diệt trừ được triệt để.
Mặt khác, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Ngô Tiến Dũng lo ngại: Việc dùng thuốc hóa học có thể gây hiệu ứng ngược, đó là thiên địch trong môi trường sinh thái, các ký sinh ở nhộng ong bị tiêu diệt làm cho sâu ong càng phát triển. Vì thế, biện pháp dùng thuốc trừ sâu phải cân nhắc.
Thời gian gần đây, một số địa phương dùng “bẫy vàng” để diệt ong. Biện pháp này mang lại hiệu quả nhất định, nhưng mỗi ha cần 12 công để treo “bẫy vàng”, chi phí bốn triệu đồng/ ha mua bẫy, một năm cần vài đợt treo bẫy nên chi phí quá cao, không khả thi trong thực tiễn.
Thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã chi hàng tỷ đồng để thực hiện các biện pháp diệt trừ, nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đặng Văn Sơn lo lắng: Khó công bố thành dịch, vì chưa đáp ứng quy định hiện hành. Không công bố dịch sâu ong, số tiền đã chi không thể quyết toán được, kho bạc xuất toán hết.
Sâu sinh sôi nhanh, khi trưởng thành mỗi con đẻ hàng trăm trứng, nở thành sâu ăn lá, bò xuống ẩn nấp dưới mặt đất. Chúng phát triển không theo chu kỳ nhất định, tại một vạt rừng, có những bày đàn vừa gây hại, đẻ trứng trên lá cây, có bầy đàn lại đang ẩn nấp dưới mặt đất nên rất khó diệt trừ.
Bắc Cạn có tiềm năng để phát triển rừng sản xuất, là một trong ba lĩnh vực chủ yếu để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho nhân dân, sâu ong gây hại thì phải diệt trừ để bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, rừng trồng trên phạm vi trộng lớn, địa hình phức tạp, sau chu kỳ khoảng mười năm, chăm sóc tốt thì nông dân có lãi vài chục triệu đồng/ ha, cho nên biện pháp gì để diệt trừ sâu ong thì cũng phải ít tốn kém về kinh phí, công sức, dễ thực hiện, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với địa hình thì nhân dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số mới thực hiện được. Nếu không đáp ứng các yếu tố đó thì mọi biện pháp đều thất bại.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()