Loay hoay bài toán trồng rừng
LSO-Với đặc thù của huyện miền núi, biên giới, kinh tế rừng có vai trò rất quan trọng đối với Văn Lãng. Thế nhưng trong vòng vài năm trở lại đây, mặc dù chỉ tiêu trồng rừng giao không cao nhưng Văn Lãng vẫn không thể hoàn thành. Khi vụ trồng rừng 2014 đã đi quá nửa chặng đường, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn huyện chỉ đạt ¼ kế hoạch và dự kiến kết thúc năm trồng rừng, Văn Lãng chỉ có thể hoàn thành hơn 50% so với chỉ tiêu kế hoạch giao.
Nông dân xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng chăm sóc rừng hồi |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Lãng, hiện nay trên địa bàn huyện mới có 2 doanh nghiệp tư nhân đầu tư xưởng chế biến gỗ, nhưng việc khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào là việc thường xuyên xảy ra. Từ năm 2010 trở về trước, khi một số dự án trồng rừng vẫn đang triển khai thì phong trào trồng rừng trên địa bàn huyện diễn ra khá mạnh mẽ. Có năm Văn Lãng trồng mới tới hơn 1.200ha rừng, xấp xỉ so với các huyện có phòng trào trồng rừng mạnh lúc bấy giờ. Qua đó đã nâng tổng diện tích có rừng của Văn Lãng lên hơn 30.000ha. Thế nhưng từ năm 2010 đến nay, số diện tích trồng mới trên địa bàn huyện giảm nhanh, mặc dù chỉ tiêu trồng rừng của Văn Lãng có thể nói là thấp trong toàn tỉnh, nhưng không hoàn thành kế hoạch luôn là điệp khúc buồn của huyện này trong thời gian qua. Với đà này, dù chỉ có 2 xưởng chế biến gỗ thì việc thiếu nguyên liệu cũng không có gì là lạ.
Nhắc lại vụ trồng rừng năm trước, nguồn ngân sách cấp cho trồng rừng khá dồi dào. Thế nhưng Văn Lãng cũng vẫn không tận dụng được cơ hội này, kế hoạch trồng rừng hỗ trợ sản xuất mặc dù có vốn vẫn không đạt chỉ tiêu và phải điều chuyển để huyện Tràng Định gánh hộ. Năm nay, nguồn kinh phí ngân sách cho trồng rừng lại rất eo hẹp. Ông Đinh Long Xuyên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: năm 2014, Văn Lãng được giao chỉ tiêu trồng mới 470 ha rừng. Trong đó có 50ha rừng phòng hộ; 300 ha rừng hỗ trợ sản xuất và 120 trồng rừng phân tán. Phân tích cụ thể từng nội dung trồng rừng thì trong tổng số 50ha rừng phòng hộ, kinh phí ngân sách cấp chỉ đủ trồng 20ha. Còn lại 30ha huyện phải tìm các nguồn khác. Đối với Văn Lãng, rừng phòng hộ thường trồng hồi, với loại cây này thì Văn Lãng đảm bảo hoàn thành được 20ha có kinh phí. Còn lại 30ha là nhiệm vụ bất khả thi.
Nội dung trồng rừng hỗ trợ sản xuất càng khó khăn. Kế hoạch là 300ha nhưng với gần 350 triệu đồng kinh phí ngân sách cấp, Văn Lãng tính cặn kẽ chỉ trồng được chưa đầy 100ha. Trong nội dung trồng rừng này phải phân tích thêm là ở các xã vùng III của Văn Lãng, diện tích đất trồng rừng còn nhiều và tương đối tập trung. Nhưng với suất đầu tư đã được điều chỉnh lên 4,5 triệu đồng/ha ở vùng đặc biệt khó khăn, nếu thiết kế trồng nhiều ở vùng III, thì với nguồn kinh phí eo hẹp, diện tích trồng được sẽ rất ít. Bởi vậy mà cán bộ chuyên môn phải tính toán, thiết kế tới khoảng 70% diện tích trồng rừng hỗ trợ sản xuất ở vùng II, suất đầu tư ở vùng này thấp hơn, diện tích trồng sẽ được nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu trồng ở vùng II thì diện tích lại rất manh mún khó tìm hiện trường trồng rừng tập trung. Trong tất cả các nội dung trồng rừng thì chỉ có 120ha trồng cây phân tán là có đầy đủ nguồn ngân sách và việc chọn hiện trường cũng dễ dàng hơn và có khả năng hoàn thành cao nhất. Phân tích khái quát để thấy rằng cố gắng đến mức tối đa, Văn Lãng chỉ có thể hoàn thành được khoảng 240ha rừng, đây là phần có ngân sách hỗ trợ.
Ông Đinh Long Xuyên khẳng định: từ trước đến nay việc vận động nhân dân tự đầu tư trồng rừng là rất khó khăn, cho đến thời điểm này, trên địa bàn cũng chưa có hộ gia đình nào làm thủ tục xin vay vốn ưu đãi trồng rừng theo Quyết định 39 của UBND tỉnh. Nhìn một cách tổng quát có thể thấy rằng tỷ lệ xã hội hóa trồng rừng của Văn Lãng ở mức rất thấp. Công tác trồng rừng còn quá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Theo dự kiến của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, vụ trồng rừng năm 2014 cố gắng ở mức cao nhất, toàn huyện cũng chỉ có thể trồng mới được khoảng 270ha rừng (trong đó cố gắng vận động nhân dân tự đầu tư trồng 30ha), tức là đạt khoảng 57% kế hoạch.
Không cần phải so sánh với các huyện xa như Lộc Bình, Đình Lập hay Hữu Lũng, chỉ cần nhìn sang huyện láng giềng là Tràng Định thì phong trào trồng rừng ở Văn Lãng cũng đã thua kém rất xa. Tại sao với điều kiện tương đồng và kinh tế rừng được xác định là rất quan trọng mà phong trào trồng rừng lại yếu kém hơn các huyện khác? Đây là câu hỏi cần được quan tâm, phân tích thấu đáo, để từ đó có hệ thống các giải pháp đồng bộ, đúng hướng để thúc đẩy phong trào trồng rừng trên địa bàn huyện Văn Lãng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()