Loạn thần do rượu - không thể chủ quan
(LSO) – Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 25-30 trường hợp loạn thần do rượu. Tuy nhiên, đến dịp lễ tết con số này thường tăng lên gấp 3 lần.
Vòng xoáy bệnh lý
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng sử dụng rượu thường xuyên quá mức (lạm dụng) sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trong đó có tình trạng loạn thần. Bác sỹ Đặng Huy Du, Trưởng Khoa Nội I, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 25-30 trường hợp bệnh nhân điều trị bệnh rối loạn tâm thần do rượu. Dịp lễ tết thì số lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều. Tết Nguyên đán năm 2018, bình quân mỗi ngày có 3 bệnh nhân nhập viện điều trị. Đa phần các bệnh nhân đều là nam giới trong độ tuổi 30 – 50 tuổi và tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn.
Theo bác sỹ, khi cơ thể không đào thải được các độc tố có trong rượu, sẽ gây ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương gây nên rối loạn tâm thần. Từ đó gây rối loạn chuyển hóa, làm suy giảm chức năng gan, thận; ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên của não và khả năng điều khiển hành vi. Sau khi điều trị, trở về nhà, họ tiếp tục uống rượu rồi tiếp tục mắc bệnh, nhập viện điều trị, tạo nên “vòng xoáy bệnh lý” và thực tế nhiều người không thoát ra được.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị bệnh nhân loạn thần do rượu
Ngoài ra, một số người uống rượu thường xuyên, nhưng vì một lý do nào đó khiến họ phải đột ngột ngừng uống cũng sẽ gây loạn thần (hội chứng cai rượu). Anh H.V.Y (46 tuổi ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) là một trường hợp như vậy. Trước đây, anh H.V.Y uống nhiều rượu (khoảng 2 lít/ngày), sau khi người nhà khuyên nhủ, anh dừng uống rượu được 2 ngày, đến ngày thứ 3 phải nhập viện điều trị do loạn thần, nói lảm nhảm, không kiểm soát được hành vi vệ sinh cá nhân.
Cần sự chung sức của cộng đồng
Thực tế trên cho thấy, việc điều trị cho những bệnh nhân loạn thần do rượu là hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường được điều trị ở 2 mức độ: loạn thần đơn thuần thì điều trị tại Khoa Nội I, sau 1 tuần ổn định sẽ cho về; loạn thần kèm theo xơ gan, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản thì phải điều trị tại Khoa Tiêu hóa lâu hơn tùy theo chuyển biến của bệnh.
Bác sỹ Lăng Văn Lâm, Trưởng Khoa Ung bướu – Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo: Thời gian qua, khoa phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị xơ gan ung thư hóa có tiền sử uống nhiều rượu, sử dụng rượu kém chất lượng ở vùng nông thôn. Khi thấy người nghiện rượu có dấu hiệu loạn thần, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách và khi về nhà phải kiên trì vận động, giám sát để chống tái nghiện.
Thiết nghĩ, để không tái nghiện rượu, bản thân người bệnh cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sỹ. Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, thanh kiểm tra và xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Và quan trọng hơn cả là người dân cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đồ uống có cồn, sử dụng có mức độ để niềm vui xuân được trọn vẹn.
Theo các chuyên gia y tế, phần lớn người bị loạn thần do rượu thường có biểu hiện run rẩy, hay giật mình hoảng hốt, nói nhảm, xuất hiện ảo giác, hay lấy tay xoa mặt, thậm chí lên cơn co giật, mê sảng, tấn công bất kỳ ai mà họ nghĩ đang gây hại cho mình hoặc chạy trốn. |
Ý kiến ()