Loạn thần do rượu, bia: Căn bệnh nguy hiểm từ “ma men”
- Trung bình mỗi năm, tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh loạn thần do rượu, bia. Bệnh này có thể gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Bác sỹ thăm khám, điều trị cho bệnh nhân loạn thần do rượu, bia đang điều trị tại Khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Chúng tôi đến Khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào một ngày trung tuần tháng 4/2024. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều bệnh nhân đang điều trị loạn thần do sử dụng quá nhiều bia, rượu.
Cùng bác sỹ của khoa, chúng tôi gặp anh H.V.T (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) đã điều trị loạn thần hơn 3 năm và thỉnh thoảng lại phải nhập viện. Nhìn gương mặt đờ đẫn, bàn tay run rẩy và những câu nói đứt quãng, hụt hơi khi trả lời bác sỹ, chúng tôi không nghĩ rằng anh chỉ mới hơn 40 tuổi. Trao đổi cùng người nhà của anh H.V.T, chúng tôi được biết: Hồi còn trẻ, anh T khỏe mạnh, hiền lành, chăm chỉ làm ăn và chăm sóc gia đình. Do giao lưu bạn bè, tham gia các cuộc ăn nhậu nên dần dần anh đã nghiện rượu. Do nghiện rượu nên anh T không phụ giúp gì được vợ con, sức khỏe của anh cũng yếu dần, thỉnh thoảng anh phải nhập viện điều trị. Sau mỗi đợt điều trị, anh lại tái nghiện rượu.
Để phòng chống tác hại của rượu bia, các bác sỹ khuyến cáo mọi cá nhân nên hạn chế uống rượu, bia tối đa vì không có ngưỡng nào là an toàn. Trong trường hợp có uống cần lưu ý: cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong 1 lần uống; nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc; uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng; sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương... Những người có thói quen uống rượu, bia nên cai một cách từ từ và cần phải thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh có liên quan đến rượu, bia. Khi nhận thấy người bệnh có biểu hiện loạn thần cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị trong thời gian sớm nhất... |
Còn anh H.P.T (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) tuy mới 29 tuổi nhưng đã phải điều trị loạn thần do rượu, bia. Anh T cho biết: Ban đầu tôi uống rượu, bia là để giao lưu với bạn bè nhưng dần dần dẫn đến thèm và nghiện. Có rượu vào người là tôi không thấy đói, không có nhu cầu ăn. Cách đây hơn 1 tháng, tôi đã phải điều trị viêm loét dạ dày do rượu, bia. Sau khi điều trị khỏi, tôi có uống rượu trở lại nên bắt đầu bị rối loạn tâm thần, suốt cả tuần mất ngủ và xuất hiện ảo giác thấy mình gặp nhiều người lạ và bắt đầu nói nhảm, lúc nhớ, lúc quên, chân tay run rẩy... phải vào đây điều trị.
Anh H.V.T và anh H.P.T chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp đang điều trị tại Khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, khoa thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân loạn thần do rượu, trong đó nhiều bệnh nhân đã ở mức độ nặng, điều trị lâu năm. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trong quý I/2024, khoa đã có trên 80 bệnh nhân nhập viện điều trị loạn thần do rượu, bia, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Còn các bệnh nhân bị loạn thần do rượu, bia bị nặng hơn hoặc biến chứng ảnh hưởng đến gan, thận, tim, mật… nằm điều trị ở các khoa khác của bệnh viện.
Hiện nay, tuy chưa có con số thống kê cụ thể trên toàn tỉnh nhưng có thể thấy, lượng bệnh nhân loạn thần do ảnh hưởng của rượu, bia ngày càng tăng. Đặc biệt, người mắc bệnh hầu hết là nam và đang có xu hướng "trẻ hóa" với độ tuổi trung bình từ hơn 30 đến 60. Hầu hết bệnh nhân nhập viện với triệu chứng lơ mơ, hoang tưởng, ảo giác, loạn thần và thường mắc nhiều bệnh liên quan đến tiêu hoá, huyết áp, gan, thận, mật... Nhiều người bị loạn thần do rượu đã sinh ra ảo giác dẫn đến đánh nhau, thậm chí từng có trường hợp chém giết người thân, họ hàng, làng xóm...
Bác sỹ Trịnh Thị Việt Hà, Phó Trưởng Khoa Tâm thần – Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Rượu, bia là một chất có hại cho thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ của con người một cách phức tạp. Việc sử dụng rượu, bia quá mức, trong thời gian dài sẽ dẫn tới sự suy nhược về cơ thể cũng như các biến chứng cơ thể như đường tiêu hóa, gan, thận, từ đó ảnh hưởng đến các chức năng tâm thần như nhận thức, tư duy, cảm xúc và dẫn tới các rối loạn tâm thần.
Các rối loạn tâm thần do rượu, bia gây ra không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Trong cơn say, “ma men” dẫn lối, kích động khiến tính khí người nghiện rượu, bia rất hung dữ, không còn biết kiềm chế cảm xúc của mình, họ rất muốn tấn công người khác hay đập phá, quấy rối. Bệnh này nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho người bệnh cả về sức khỏe và tinh thần, ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội. Do đó, bệnh nhân cần được điều trị ngay khi phát hiện những dấu hiệu ban đầu.
Tại các cơ sở khám, chữa bệnh có điều trị bệnh loạn thần do bia, rượu trên địa bàn tỉnh, việc chữa trị được thực hiện bằng cách hỗ trợ bổ sung bù dịch, bù dinh dưỡng cho bệnh nhân và sử dụng thêm các loại thuốc an thần, chống trầm cảm kết hợp sử dụng liệu pháp tâm lý.
Trên thực thực tế, hầu hết các bệnh nhân đều tái điều trị sau khi ra viện do không từ bỏ được thói quen uống rượu, bia. Bởi vậy, để người nghiện không sử dụng bia, rượu nữa thì đòi hỏi người đó phải nhận thức được tác hại của rượu, bia; gia đình phải kiên trì quan tâm, giúp đỡ; cộng đồng xã hội phải động viên, tạo điều kiện việc làm, sinh hoạt, giải trí lành mạnh giúp họ tránh xa và không có cơ hội tái nghiện.
Có thể thấy, loạn thần do rượu, bia tiềm ẩn nguy cơ gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Bởi vậy, khi có các dấu hiệu của loạn thần, bệnh nhân và gia đình cần phối hợp với bác sỹ để có phương án điều trị hiệu quả nhất. Đặc biệt, sau khi điều trị tại các cơ sở y tế, người bệnh rất cần sự đồng hành, động viên của người thân để đoạn tuyệt với “ma men”.
Ý kiến ()