Loại trừ mối nguy từ cây xanh trong trường học
(LSO) – Những vụ cây phượng đổ liên tiếp trong trường học thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông về mối nguy hiểm tiềm ẩn từ cây xanh ở khuôn viên trường. Trước thực trạng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động tiến hành kiểm tra, rà soát, cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong trường.
Trong thời gian gần đây, những vụ việc đổ cây liên tiếp trong trường học làm cho phụ huynh, học sinh và cả xã hội vô cùng lo ngại. Điển hình như vụ cây phượng ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) bất ngờ bật gốc vào sáng 26/5, khiến 1 học sinh tử vong và 17 em bị thương .
Tại tỉnh Lạng Sơn, theo tìm hiểu của chúng tôi tại nhiều trường học từ mầm non đến trung học phổ thông chủ yếu trồng các loại cây tán rộng để lấy bóng mát như: phượng, lát, xà cừ, bằng lăng, sấu, xoài … Nhiều cây trong đó đã có tuổi đời lâu năm (từ 20 đến 30 năm), tán cây lớn, gốc và cành cây to. Tuy có nhiều lợi ích trong việc cung cấp không khí, bóng mát nhưng nếu không có sự kiểm tra, cắt tỉa thường xuyên thì những cây xanh này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho học sinh, giáo viên nếu bị gãy, đổ.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn kiểm tra cây xanh trong khuôn viên trường
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nhà trường có 15 cây xanh các loại, trong đó có 3 cây lớn, hơn 20 năm tuổi. Sau những thông tin trên báo, truyền hình về các vụ đổ cây gần đây trong trường học, chúng tôi thấy khá hoang mang và đã ngay lập tức liên hệ với công ty môi trường đến để kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các cây trong nhà trường, qua đó phát hiện và chặt đi những cành cây khô, mục, tỉa bớt lá để cây đỡ chịu sức nặng khi có gió lớn.
Việc các cây lớn trong nhà trường có thể bị gãy, đổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo ông Đinh Văn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH hoa và cây cảnh Việt Trung, thành phố Lạng Sơn, việc gãy cành, đổ cây trong nhà trường có thể do trường không trồng từ khi cây còn nhỏ mà trồng luôn cây to, bộ rễ chưa kịp ăn sâu vào đất và dễ bị đổ khi gặp gió lớn; kỹ thuật cắt, tỉa cành chưa đúng, gây hại cho thân và rễ cây; do mối mọt, sâu hại; vị trí trồng cây quá sát tường, sát phòng học khiến cây bị ép, bị nghiêng hoặc do các vấn đề thời tiết như mưa lớn kèm gió lớn, dông lốc làm cây không chịu được sức nặng từ lá … Để hạn chế tối đa rủi ro, nhà trường cần hiểu rõ và biết cách khắc phục các nguyên nhân trên; đặc biệt nên phối hợp với các công ty cây xanh, môi trường để được tư vấn, kiểm tra thường xuyên, nhất là vào trước mùa mưa bão.
Sau sự việc đau lòng xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề nghị các sở GD&ĐT trên toàn quốc chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ…, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã ban hành Công văn số 1376/SGDĐT-VP ngày 3/6/2020 yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát về cơ sở vật chất trường học, hệ thống cây xanh trong khuôn viên; xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối, mọt (gia cố, chằng, chống cọc cho cây); việc đốn, hạ, cắt tỉa cành cây cần thực hiện vào thời điểm không có học sinh, sinh viên trong trường…
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tính đến sáng ngày 9/6, đã có 500/693 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh gửi báo cáo lên Sở GD&ĐT về việc kiểm tra, rà soát cây xanh. Theo đó, các đơn vị đã chủ động phối hợp với công ty môi trường tiến hành kiểm tra gần 20.000 cây xanh về chất lượng gốc, rễ cây, sức chống chịu của cây trước mưa, bão … Qua đó, xử lý 1.851 cây với các biện pháp phù hợp như: đốn, hạ một số cây tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ; cắt tỉa cành cây đã chết, cành có thể gãy khi gió lớn, cành nhiều lá không cần thiết, gây sức nặng cho cây; đồng thời gia cố, chằng, chống cọc đối với các cây cổ thụ còn xanh tốt … để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa giữ được không gian xanh trong trường học.
Với sự vào cuộc kịp thời của ngành GD&ĐT, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn do cây xanh gây ra trong trường học đã được các đơn vị, nhà trường quan tâm, khắc phục. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, thời gian tới, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục chú trọng kiểm tra, xử lý cây xanh định kỳ, thường xuyên hơn, nhất là trước mùa mưa bão hằng năm.
Ý kiến ()