Loại hình phổ thông dân tộc bán trú ở Bình Gia: Tiếp tục vượt khó để vươn cao
Những “gam màu” sáng
Tọa lạc trên đồi cao tháng đãng, trường phổ thông DTBT cấp Trung học cơ sở xã Thiện Long như sáng bừng trong những ngày đâu năm học mới với những phòng học được trang trí lại, các phòng chức năng ngăn nắp, phòng ở được quét dọn sạch sẽ. Đã có dịp đến trường này cách đây dăm năm- thời kỳ còn tồn tại mô hình bán trú dân nuôi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay mà rõ nét nhất là nơi ở của học sinh. Nếu trước đây, các em phải sinh hoạt trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn với những chiếc phản nằm ghép bằng tre vầu trong ngôi nhà cũ kỹ trống hoang trống hoác, thì nay đã có 4 phòng tiêu chuẩn, khép kín, giường nằm chăn đệm gọn gàng, 2 phòng còn lại được tận dụng lớp học cũ cũng khá gọn gàng chu đáo. Nếu trước đây, cạnh những phản nằm là hàng chục cái “bếp con” với lỉnh kỉnh soong nồi nhọ nhem, ca thìa bát đĩa thì nay học sinh đã có nhà ăn với những bộ bàn ghế bằng inoc sáng.
Không chỉ ở trường Thiện Long, học sinh bán trú nhiều trường trên địa bàn đã có nơi ăn ở khang trang sạch đẹp. Ví như trường Phổ thông DTBT Trung học cơ sở xã Quý Hòa với 2 ngôi nhà sàn đẹp, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cần thiết; trường phổ thông DTBT Trung học cơ sở xã Thiện thuật với 8 phòng bán trú, tuy chưa thật khang trang song đã gọn và sạch…
Giờ đọc sách của học sinh Trường PTDTBT Trung học cơ sở xã Thiện Long
Vẫn còn đó những khó khăn
Đối lập hoàn toàn với trường Thiện Long, trường THCS bán trú xã Hòa Bình lại vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt và học tập của các cháu. Thày giáo Phan Văn Tuyển, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay nhà trường có 78 học sinh, mỗi khối 1 lớp, trong đó dự kiến có 52 học sinh được hưởng chế độ bán trú và trên 30 học sinh có nhu cầu ở bán trú. Cơ ngơi của nhà trường hầu như chẳng có gì ngoài 4 phòng học đủ cho 4 lớp. 2 phòng học còn lại đã nứt vỡ, gây nguy hiểm bất cứ lúc nào. Có 7 phòng công vụ cho giáo viên lại kiêm luôn phòng làm việc của Ban giám hiệu và các phòng chức năng. Hàng ngày, nhà trường có trên 40 học sinh ăn trưa. Song do không có phòng ăn, nên hết giờ học là các thầy cô giáo lại huy động học sinh kê dọn lại bàn ghế để biến phòng học thành phòng ăn. Năm 2013, nhà trường được hỗ trợ xây dựng 2 phòng ở, song nó quá chật hẹp, chỉ đủ cho 16 học sinh ở bán trú. Chỉ ngôi nhà gỗ cũ kỹ, trống hoang trống hoác, em Lộc Văn Kiên, học sinh lớp 9, thôn Nà Lèo nói rằng, cũng như các bạn, nhà em ở xa nên ăn cơm ở trường và nghỉ trưa tại đây để đợi học buổi chiều. Do không giường phản, không ghế ngồi, nên chúng em phải ngồi trên nền đất dựa vào nhau ngủ gà ngủ gật. Chỉ một khoảng sân nhỏ mà chưa thể cải tạo để thành sân thể thao cho các em, vì vậy số tiền tiêu chuẩn văn hóa, thể thao và y tế của trường bán trú (mỗi học sinh 150 ngàn đồng/ năm) nhiều khi chẳng biết dùng để làm gì.
Bức tranh tổng thể:
Bình Gia hiện có 32 trường phổ thông dân tộc bán trú, gồm 18 trường tiểu học và 14 trường THCS với tổng số gần 4.500 học sinh. Để những trường này có cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, đảm bảo phục vụ học tập, sinh hoạt và đời sống cho học sinh các dân tộc, từ năm 2012 đến nay, nguồn kinh phí của ngành và ngân sách huyện đã đầu tư trên 25 tỷ đồng xây dựng 16 phòng bán trú kiên cố, 54 phòng cấp 4 và 980 nhà tạm. Bên cạnh đó, ngành đã có thêm 45 phòng bán trú huy động từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; nhân dân và cán bộ giáo viên trong ngành đóng góp gần 900 triệu đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ cho bán trú. Sự hội tụ các nguồn đã góp phần xóa tình trạng lều lán nhếch nhác, ăn ở tạm bợ của học sinh bán trú. Đồng chí Nguyễn Kim Thoa, Phó trưởng phòng GD&ĐT Bình Gia nói rằng: Nguồn lực nhà nước, các đơn vị và người dân không những giúp cho các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn đứng vững, mà nó còn được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, giữa các trường và trong từng trường vẫn có những khó khăn ở từng mức độ khác nhau.
Năm học 2014-2015, Bình Gia sẽ tập trung hơn nữa các nguồn lực, nhằm từng bước cải thiện nhanh điều kiện cơ sở vật chất cho các trường bán trú.
Ý kiến ()