Loại hình giáo dục thường xuyên: Linh hoạt trong cơ chế mở
LSO- Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, sự linh hoạt trong hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) đã ngày càng thể hiện vai trò của loại hình giáo dục này trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, xây dựng xã hội học tập.
Nâng cao chất lượng bổ túc văn hóa
Năm học 2014-2015, loại hình GDTX có 2.533 học viên bổ túc THPT, trong đó có 61 lớp bổ túc xã, cụm xã với 1.054 học viên. Do có sự tổ chức tốt và các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nên chất lượng giáo dục đào tạo đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học viên xếp loại trung bình trở lên đã đạt 95,68% và đã có gần 0,1% đạt loại giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, tỷ lệ tốt nghiệp của khối GDTX đạt 89,22%, cao hơn loại hình chính quy (khối THPT đạt 87,16%).
Đặc biệt, trong 3 năm liền Trung tâm GDTX I, Trung tâm GDTX Bắc Sơn đã có học sinh giỏi cấp quốc gia. Với ưu thế, học viên tham gia học tập vừa có kiến thức thực tiễn, vừa tiếp thu kiến thức văn hóa, biết vận dụng để giải quyết những vấn đề về thực tiễn cuộc sống nên loại hình giáo dục này đã dần thu hút, hấp dẫn và phát huy được khả năng người học. Điển hình như học viên Hoàng Thị Thoa, Trung tâm GDTX huyện Bắc Sơn tham gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn dành cho học sinh trung học và đã giành giải ba toàn quốc với chủ đề: “ Du lịch Bắc Sơn- một vùng quê cách mạng”.
Học sinh Trung tâm GDTX Chi Lăng thực hành nghề điện
Nhanh nhạy trong dạy nghề
Các trung tâm GDTX tiếp tục phối hợp với các trường nghề mở các lớp dạy nghề, đáp ứng nhu cầu vừa học văn hóa, vừa học nghề của học viên. Năm học vừa qua, loại hình giáo dục này đã duy trì 57 lớp văn hóa và nghề nghiệp với 1.721 học viên và tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như: giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, phổ biến kiến thức khoa học, rèn luyện ý thức và kỹ năng nghề nghiệp cho học viên.
Theo đó, chất lượng dạy nghề được nâng cao, năm học 2014-2015, các trung tâm có 8 học sinh tham gia kỳ thi tay nghề do Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc tổ chức. Kết quả, 100% học viên đạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 4 giải nhì và 3 giải ba. Ông Cao Văn Đông, Trưởng phòng GDTX, Sở GD&ĐT nói rằng: cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, sự linh hoạt trong việc phối hợp với các trường nghề đã có tác dụng thu hút học sinh học nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề ở các trung tâm.
Nòng cốt của Trung tâm học tập cộng đồng
Thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình, các hoạt động của Trung tâm không chỉ quan tâm việc dạy bổ túc văn hóa, dạy nghề, mà còn vươn tới các Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ), tạo nền tảng cho một xã hội học tập. Cùng với điều động giáo viên bán chuyên trách tăng cường cho Trung tâm HTCĐ các xã, các Trung tâm GDTX tổ chức tập huấn công tác điều tra, mở lớp xóa mù chữ, bổ túc cấp THCS, giúp các Trung tâm HTCĐ thực hiện các giải pháp về kế hoạch, công nghệ thông tin. Năm học 2014- 2015, các Trung tâm HTCĐ đã tổ chức được 831 lớp chuyên đề với 7.246 lượt người tham gia; tổ chức “Tuần lễ học tập suốt đời” tại các địa phương có trên 500 lớp với hơn 20 ngàn lượt người tham gia.
Sự chuyển biến tích cực của loại hình GDTX trong những năm qua và nhất là năm học 2014-2015 chứng tỏ rằng, khi ngành GD&ĐT quan tâm, khi các Giám đốc Trung tâm có sự năng động thì loại hình này sẽ có những đóng góp rất tích cực và trở thành nòng cốt trong việc xây dựng xã hội học tập.
Bài, ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()