Loại hình giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: Trên đà bứt phá
(LSO) – Sau 3 năm hoạt động, loại hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) đã vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả và đang trên đường bứt phá để đáp ứng tình hình mới.
Từ kết quả bước đầu
Ngay từ ngày đầu thành lập tháng 8/2016, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Văn Lãng đã nhanh chóng ổn định tổ chức; tập trung, kiểm tra, kiểm định cơ sở vật chất (CSVC) sau sáp nhập. Song song với công tác tuyển sinh, trung tâm xúc tiến ngay việc liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu người học. Sau 3 năm học, trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra là dạy văn hóa và dạy nghề cho thanh niên địa phương.
Ông Trịnh Văn Trí, Giám đốc trung tâm khẳng định: Hoạt động ổn định và hiệu quả trong dạy và học, trung tâm đã từng bước tạo niềm tin và điểm tựa cho các bạn trẻ trên địa bàn huyện và khu vực lân cận.
Trong 3 năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tràng Định luôn là điểm nhấn về đào tạo nghề và nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ người trẻ – lực lượng nòng cốt trong đẩy mạnh công nghiệp hóa và xây dựng nông thôn mới của huyện Tràng Định. Ông Hoàng Văn Chương, Giám đốc trung tâm cho biết: Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của hai ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), lao động – thương binh và xã hội, của Huyện ủy, UBND huyện; sự liên kết có hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng (CĐ) trong nước cũng như các trường nghề trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã đào tạo được hàng trăm lao động, trong đó có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số cung ứng cho thị trường lao động.
Học sinh các trung tâm GDTX-GDNN thực hành tại Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT: ba năm qua là quãng thời gian “vượt khó”, đồng thời cũng là giai đoạn thử thách của các trung tâm GDNN-GDTX tỉnh. Vượt qua những khó khăn thời kỳ đầu sáp nhập, các trung tâm đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, ổn định đội ngũ, nhất là giáo viên văn hóa và giáo viên nghề; tập trung CSVC, kiểm tra, kiểm định chất lượng thiết bị. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền dạy bổ túc văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề, thu hút đông đảo thanh niên đến học theo hình thức học văn hóa THPT và trung cấp nghề. Các trung tâm đã có những đóng góp quan trọng vào lộ trình phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở.
Đến sự năng động, bứt phá
Liên kết với các trường có thế mạnh trong đào tạo nghề vừa có tác dụng giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu, thiếu CSVC, thiết bị dạy nghề; vừa tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho học sinh sau đào tạo. Điển hình của sự năng động đó phải kể đến các trung tâm như: GDTX 1, GDTX 2; các trung tâm GDNN -GDTX Cao Lộc, Lộc Bình, Bắc Sơn… Năm học 2018 – 2019 các trung tâm đã liên kết với các trường cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp nghề cho học viên, thực hiện song song chương trình GDTX cấp THPT và chương trình trung cấp nghề; đào tạo lái xe hạng A1 cho trên 2.000 lượt học viên; mở 46 lớp nghề ngắn hạn dưới 6 tháng với 1.494 học viên; hệ trung cấp nghề có 137 lớp – 4.174 học viên, tập trung chủ yếu đào tạo các nghề: lâm sinh, công nghệ thông tin, điện công nghiệp và dân dụng, tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, mộc, kế toán … Tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số được 25 lớp với 1.264 học viên; dạy và thi cấp chứng chỉ các lớp tin học, ngoại ngữ và các lớp chuyên đề với 34 lớp – 4.192 học viên.
Một trong những điểm nhấn khiến Trung tâm GDNN – GDTX Cao Lộc mỗi năm tuyển được từ 600 học sinh, mở được 16 – 17 lớp, ngoài công tác tuyên truyền tốt, còn là sự mở rộng đào tạo theo nhu cầu người học. Sự bứt phá của trung tâm này không chỉ là ở chỗ liên kết với nhiều trường có thế mạnh dạy nghề như: Cao đẳng Xây dựng số 1 Hà Nội, Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Thương mại Hà Nội, Cao đẳng nghề Lạng Sơn… mà còn tổ chức tham quan các trường để giao lưu, liên kết… Qua đó, học sinh có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn ngành nghề và việc làm.
Các trung tâm GDNN – GDTX đã rất nỗ lực để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giáo viên văn hóa có trình độ cao, nhằm nâng cao chất lượng dạy văn hóa. Tại hội thi giáo viên giỏi chương trình GDTX cấp tỉnh năm học 2018 -2019, tỷ lệ giáo viên giỏi và xuất sắc đạt 75,6%; chất lượng giáo dục văn hóa được nâng lên; tỷ lệ học sinh giỏi, khá tăng đều hằng năm; tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT hằng năm đạt trên 80%. Chất lượng văn hóa đã thực sự tạo “sức hút” trong tuyển sinh, thúc đẩy nhanh tiến độ phân luồng học sinh sau THCS trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong hướng nghiệp dạy nghề, việc tổ chức và duy trì hội thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức lần đầu tiên năm 2018 với 21 đơn vị tham gia, trong đó có tất cả 9 trung tâm GDNN-GDTX; 2 trung tâm GDTX; Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn và Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc. Cuộc thi năm 2019 còn thu hút các trung tâm tham gia với số lượng học sinh nhiều hơn, ngành nghề đa dạng hơn và có sức lan tỏa lớn. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích của các em mà còn tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với đội ngũ lao động tiềm năng; là cơ hội để các em thể hiện mình bằng những sản phẩm đưa ra thị trường.
Cái “khó” đã “ló” cái khôn, sau 3 năm hoạt động, bằng sự năng động mang tính bứt phá, các trung tâm GDNN – GDTX đang có những bước tiến mạnh mẽ theo đúng nguyên lý giáo dục, đi đúng đường lối, chủ trương của Đảng về loại hình giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp, vận dụng và thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về dạy nghề, đáp ứng tốt hơn sự kỳ vọng của xã hội.
Ý kiến ()