Loại hình bổ túc THPT cụm xã: “Cơ hội vàng” cho các xã khó khăn
Cơ hội dành cho mọi người
Nhìn ông Vi Xuân Đồng, 56 tuổi, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Nông trường Thái Bình (Đình Lập) hàng tuần cấp sách tới lớp học bổ túc THPT, nhiều người nói: “Già rồi, đi học làm gì cho khổ, ngoài thời gian công tác Hội, ông ở nhà vui thú với cháu con có hơn không”. Ông nói: “Ngày xưa, muốn đi học nhưng phải tham gia quân ngũ, nay ngành GD&ĐT đã mang lớp bổ túc đến tận nhà, tại sao lại không học. Vả lại, con người ta có thêm một chữ là có thêm hiểu biết để phục vụ cho xã hội và cho chính cuộc sống của mình”. Thế là trong lớp bổ túc THPT thị trấn Nông trường, những mái đầu xanh bên mái đầu bạc cần cù học tập. Sự tham gia của ông đã góp phần động viên thanh niên thị trấn không bỏ giờ bỏ lớp để “theo đuổi” chương trình trong suốt 3 năm trời. Năm học 2013-2014, trong khi sĩ số học viên ở các địa bàn khác sụt giảm liên tục, thì 2 lớp ở thị trấn Nông trường với 51 người thời kỳ đầu năm, đến cuối năm mới chỉ có 1 học viên bỏ học do hoàn cảnh gia đình. Kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT vừa qua, lớp bổ túc tại thị trấn này đã có tỷ lệ đỗ 100%.
Đôị ngũ cán bộ xã dự lớp bồi dưỡng tin học tại Trung tâm GDTX huyện Cao Lộc
“Xóa mù chữ” cho cán bộ xã
Tuy vậy, do nhiều yếu tố khác nhau, tỷ lệ học viên bỏ học khá cao. Nếu tính “đầu vào” là năm học 2011-2012 đã có 55 lớp với 1.234 học viên, thì đến năm học 2013-2014, số học viên tham gia thi tốt nghiệp lớp 12 chỉ còn 696 người (giảm 538 người- tỷ lệ giảm 43,6%). Tỷ lệ ít như vậy nên có thể nói số học viên được tốt nghiệp là “vốn quý” ở các địa phương và nó cũng là kết quả của tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ giáo viên các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Điều đáng nói, trong số 156 học viên tốt nghiệp là cán bộ công chức xã, huyện Đình Lập có tới 42 người, sau đó là Lộc Bình 31 người, Bình Gia và Tràng Định có 16 người… Thầy giáo Trịnh Minh Khanh, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Đình Lập nói rằng: là huyện có diện tích rộng, dân số ít và phân bố không đều, vả lại cả huyện mới có 1 trường THPT ở trung tâm thị trấn nên cơ hội để học lên cấp THPT của người dân là rất thấp so với các huyện khác. Việc mớ lớp bổ túc cụm xã tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập mà không phải đi xa. Đặc biệt, đây là cơ hội để các cán bộ công chức, viên chức các xã “thanh toán nợ” trình độ- một “món nợ” mà nếu không “trả” sẽ ảnh hưởng tới cơ hội thăng tiến cũng như vị trí việc làm tại cơ sở. Vì vậy, Đình Lập là một trong những huyện có tỷ lệ bỏ học rất thấp và kết quả tốt nghiệp khá cao.
Kết quả của những nỗ lực
Để giải tỏa những “nghi ngại” về chất lượng các lớp bổ túc này, ông Cao Văn Đông, Trưởng Phòng GDTX- Sở GD&ĐT nói rằng: đây chính là lớp “người lớn đi học” với tất cả sự khao khát về kiến thức gắn với vị trí việc làm và sự tự nguyện của bản thân nên không nghi ngờ gì về động cơ học tập của họ. Đối với ngành, việc áp dụng chương trình khung của Bộ GD&ĐT và chương trình chi tiết của Sở GD&ĐT áp dụng cho lớp bổ túc THPT cụm xã với 7 môn học bắt buộc đã khiến các lớp này đi đúng quỹ đạo chung của toàn quốc. Tuy hình thức linh hoạt như học buổi sáng, học buổi chiều, học trong các ngày nghỉ, học “cuốn chiếu”… để phù hợp với đối tượng người học, song chương trình là bắt buộc. Kết quả tốt nghiệp trong kỳ thi quốc gia vừa qua đã chứng minh điều đó. Về đối tượng cán bộ xã, ông nói: “Có hai hình thức học tập: hình thức thức nhất là học tập trung riêng đối tượng cán bộ xã theo phương thức “2 năm 3 lớp” như Trung tâm GDTX Lộc Bình làm theo “đơn đặt hàng” của Ban Tổ chức Huyện ủy Lộc Bình với 34 học viên và đã có 32 học viên đỗ tốt nghiệp. Hình thức thứ hai là học chung theo cụm xã “3 năm 3 lớp” như ở Đình Lập và các huyện khác, kết quả cũng rất cao.
Đề án mở lớp bổ túc THPT xã, cụm xã giai đoạn 2012-2015 sắp kết thúc; nếu không có gì thay đổi, kỳ tuyển sinh năm học 2014-2015 sẽ là kỳ tuyển sinh cuối cùng của loại hình này. Như vậy, đây là cơ hội cuối cùng của người dân các xã ĐBKK nói chung và của cán bộ công chức các xã này nói riêng. Hy vọng rằng những người dân, những cán bộ cơ sở đã từng dở dang trên con đường học vấn hãy nắm lấy “cơ hội vàng” này và đăng ký với các trung tâm GDTX để trang bị cho mình học vấn- chìa khóa của sự thăng tiến và sự đảm bảo vững chắc vị trí việc làm.
Ý kiến ()