Loại bỏ túi nilon: Sự vào cuộc của nhà phân phối và người tiêu dùng
– Túi nilon là vật dụng quen thuộc, được sử dụng hằng ngày vì sự tiện lợi, nhất là trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là một trong những “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, để từng bước loại bỏ túi nilon, các doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã từng bước vào cuộc, quan tâm sử dụng các vật liệu có khả năng tái chế và thân thiện với môi trường thay vì dùng túi nilon trong hoạt động mua – bán.
Siêu thị Winmart sử dụng túi tự phân hủy sinh học để bao gói sản phẩm cho khách hàng
Thời gian qua, việc triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội, doanh nghiệp và đại bộ phận người dân quan tâm, hưởng ứng tích cực. Trong đó, đã có sự vào cuộc của một bộ phận quan trọng là các nhà phân phối, bán lẻ và chính bản thân mỗi người tiêu dùng.
Kết quả bước đầu
Qua khảo sát của Sở Công Thương, hiện tại, hầu hết các siêu thị (5 siêu thị), trung tâm thương mại (3 trung tâm thương mại), chuỗi cửa hàng tiện lợi và nhiều cơ sở phân phối, bản lẻ sản phẩm theo chuỗi thương hiệu trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến việc sử dụng túi đựng sản phẩm thân thiện với môi trường thay vì dùng các loại túi nilon khó phân hủy. Đến nay, 100% siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh thực hiện thay thế, trong đó đã có siêu thị Winmart, Thành Đô, Đồng Tiến và chuỗi cửa hàng Winmart thay thế 100%; có một số siêu thị và đại lý phân phối đang sử dụng song hành và từng bước thay thế như Lasvilla… đạt khoảng 80% so với kế hoạch tỉnh đề ra cho giai đoạn 2021 – 2025.
Ngày 11/12/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 235/KH – UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025: 85% siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; đến năm 2030, 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. |
Chị Tô Kim Thủy, cửa hàng trưởng Winmart tại đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, cửa hàng đã thay thế 100% túi nilon bằng túi tự hủy sinh học để đóng gói sản phẩm cho khách hàng. Bên cạnh đó, cửa hàng còn thực hiện các chương trình khuyến mại đối với khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần nhằm hình thành thói quen tiêu dùng xanh; sử dụng giấy kraf, túi nilon tự phân hủy để bao gói sản phẩm thay cho màng co và túi nilon thông thường… Không chỉ ở cửa hàng của chúng tôi mà hiện nay toàn bộ hệ thống bán lẻ Winmart (trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 13 cửa hàng) đều đang triển khai các giải pháp tiêu dùng xanh.
Đặc biệt, việc loại bỏ túi nilon còn được một số nhà phân phối sử dụng những cách làm sáng tạo và hiệu quả, vừa tăng lợi ích cho cơ sở kinh doanh vừa đảm bảo lợi ích, nâng cao nhận thức về chống rác thải nhựa của người tiêu dùng. Điển hình như tại cửa hàng Tokyo Life trên đường Trần Đăng Ninh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Từ năm 2019, Tokyo Life đã bắt đầu dừng cung cấp miễn phí túi mua hàng để khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi đa năng, hạn chế lạm dụng túi nilon dùng 1 lần; đồng thời áp dụng chính sách tính phí túi đựng khi mua sắm với giá 2.000 đến 3.000 đồng/1 túi vải gấp gọn, siêu tiện lợi với khả năng tái sử dụng lên tới 1.000 lần; khuyến khích khách hàng mang túi đựng có sẵn của mình…
Chị Lê Phương Anh, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước kia, mặc dù đã được biết về tác hại của túi nilon nhưng tôi vẫn thường hay sử dụng khi đi mua sắm vì sự tiện lợi và được sử dụng đại trà. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã sử dụng túi tự hủy sinh học hoặc túi vải, túi giấy để đóng gói sản phẩm cho khách hàng. Từ đó, tôi cũng có ý thức hơn về bảo vệ môi trường và sức khỏe của bản thân khi chủ yếu lựa chọn mua sắm ở những địa điểm bán hàng có sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình thể hiện sự vào cuộc thực chất để từng bước loại bỏ túi nilon. Thời gian qua, phong trào chống rác thải nhựa đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh những năm qua đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường khi đi chợ như: làn tre, túi giấy, túi vải…; xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ tự thu gom rác thải”;…Thông qua việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ đã tăng cường vận động hội viên và Nhân dân không sử dụng túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm nhựa dùng 1 lần… mà sử dụng các cây có lá bản to như: lá rong, lá chuối… để gói thực phẩm và dùng làn tre, làn nhựa, túi giấy, túi vải… để đi chợ.
Cùng đó, những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo 11 huyện, thành phố triển khai lồng ghép phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng các hoạt động cụ thể như: hỗ trợ túi nilon tự phân hủy sinh học thân thiện với môi trường để phát tại các lễ, hội. Điển hình như huyện Chi Lăng, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cấp phát và đổi rác thải nhựa lấy túi nilon tự phân hủy được khoảng 500kg túi cho người dân tại các dịp lễ hội đầu Xuân và Lễ phát động làm cho thế giới sạch hơn…. Đồng thời, các huyện, thành phố cũng triển khai phát tờ rơi tuyên truyền bảo vệ môi trường cho các du khách tham gia lễ hội… Từ đó, nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mọi người dân và du khách về việc thu gom rác thải và bỏ rác đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường.
“Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần hầu hết đều được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này chưa được loại bỏ hết như: chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, Cadimi… có thể nhiễm vào thức ăn, gây hại đến sức khỏe của con người. Để đảm bảo quyền lợi cũng như sức khỏe của người tiêu dùng, từ năm 2022 đến nay, hội đã phối hợp tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền lồng ghép nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng túi nilon; kêu gọi, vận động người tiêu dùng hưởng ứng phong trào “Nói không với túi nilon”, mang theo làn, giỏ, túi, hộp đựng thực phẩm khi đi mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ… Cùng đó, để thiết thực hóa hành động loại bỏ túi nilon, hội đã kiến nghị các cơ quan nhà nước cần có chính sách đánh thuế đối với doanh nghiệp sử dụng túi nilon, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và tiêu dùng túi nilon sao cho phù hợp.” |
Tiếp tục vào cuộc
Qua tuyên truyền, doanh nghiệp, nhà phân phối và một bộ phận người tiêu dùng đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc hạn chế sử dụng các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy có tác hại đến môi trường. Tuy nhiên, vật dụng thân thiện với môi trường (túi giấy, túi đay, túi tự phân hủy sinh học) có giá thành khá cao (cao hơn khoảng 20 đến 30% so với túi nilon khó phân hủy), trong khi túi nilon khó phân hủy có giá thành thấp và thường được phát miễn phí khi mua hàng nên số doanh nghiệp và người tiêu dùng đưa vào sử dụng đại trà túi tự phân hủy sinh học vẫn còn hạn chế. Điển hình như tại hầu hết các chợ truyền thống, các sản phẩm trong quá trình mua sắm đều được đựng bằng túi nilon khó phân hủy với nhiều kích cỡ.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để từng bước loại bỏ túi nilon khó phân hủy trong tiêu dùng, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-SCT ngày 13/3/2023 về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh với mục đích hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp, nhà phân phối, cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư sử dụng các loại sản phẩm từ nguyên liệu hữu cơ dễ phân hủy, thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh nhằm lan toa phong trào chống rác thải nhựa, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, sở đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức rà soát, đánh giá việc sử dụng các loại túi, bao bì đựng sản phẩm hàng hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh của 5 doanh nghiệp phân phối hàng lớn và tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức 3 hội nghị phổ biến, tuyên truyền về tiêu dùng bền vững lồng ghép với tuyên truyền chống rác thải nhựa, loại bỏ túi nilon. Gần đây nhất, ngày 31/10, sở đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng túi nilon khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sở đã phối hợp với các ngành tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng túi nilon đối với môi trường; đưa ra một số giải pháp hạn chế sử dụng túi nilon tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn tỉnh.
Qua tuyên truyền, vận động, đã có một số doanh nghiệp, nhà phân phối hưởng ứng vào cuộc, điển hình như Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên Phú. Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc công ty cho biết: Hiện nay, công ty đã bắt đầu đưa vào sử dụng các sản phẩm bao bì tự hủy sinh học, thân thiện với môi trường. Cụ thể, tại điểm bán hàng Việt của công ty đã sử dụng 100% túi giấy để đóng gói cho khách hàng. Đồng thời, đối với các đại lý phân phối, chúng tôi đã hỗ trợ khoảng 30% túi giấy và sử dụng hoàn toàn thùng caton để vận chuyển hàng hóa.
Cùng với các doanh nghiệp, nhà phân phối, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai phong trào chống rác thải nhựa, loại bỏ túi nilon. Nổi bật là các cấp hội phụ nữ, vì trong công việc nội trợ phụ nữ chiếm đa số. Chính vì vậy, phong trào được các cấp hội triển khai đồng bộ và gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 70 cuộc tuyên truyền trực tiếp tại các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thị trấn vùng khó khăn, biên giới, thu hút trên 4.200 hội viên tham gia; phát trên 8.200 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon.
Với sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng, phong trào chống tác thải nhựa nói chung và loại bỏ túi nilon nói riêng bước đầu đã đạt hiệu quả tích cực. Thời gian tới, để phong trào lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa rầt cần sự hưởng ứng của toàn dân. Vì vậy, các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị – xã hội cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo cán bộ, đảng viên, hội viên từ tỉnh đến cơ sở tuyên truyền, vận động người dân khi mua – bán nên sử dụng các vật dụng tái chế, thân thiện với môi trường…
Ý kiến ()