Chỉ vì những chuyện không đâu…
Vào tháng 8-2015, vụ án giết người rồi vứt xác nạn nhân xuống sông để phi tang xảy ra ở buôn Djet (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, Gia Lai) gây chấn động dư luận, nạn nhân là Kpă Phu (SN 1973), điều đáng nói ở đây là nguyên nhân bắt đầu sự việc chỉ từ một câu nói… Hồi tháng 3-2015, Nay H’Yêr (vợ Kpă Phu) trong một lần nói chuyện đã ba hoa: “Đến tháng 7, tháng 8-2015, người làng không phải đi làm cỏ mì nữa, mà đến nhà Kpă Vaih có việc”. Ai ngờ, đến tháng 7-2015, Kpă Vaih bị căn bệnh xơ gan hành hạ, sức lực suy kiệt, đau yếu nên không đi làm được và phải đi bệnh viện chữa trị, đến ngày 21-8, Kpă Vaih tử vong vì bệnh lý. Chợt nhớ lại câu nói của Nay H’Yêr, không chỉ người nhà Kpă Vaih, mà gần như dân làng ai cũng khẳng định gia đình Kpă Phu và vợ có “thuốc thư” làm cho Kpă Vaih chết.
Chiều 24-8, tại bữa rượu đám ma Kpă Vaih, Kpă Phu ngồi uống rượu với Nay Loang (SN 1990) và Nay Rim (SN 1968), anh Phu rót một chén rượu mời Loang nhưng Loang đổ xuống đất vì sợ bị Phu… bỏ “thuốc thư”. Cho rằng, Loang xem thường mình, Phu lớn tiếng trách móc và hai người xảy ra mâu thuẫn. Khi đó, Phu dọa: “Mày coi chừng chết đó!”, Loang hỏi lại: “Anh đánh em à?”, Phu nói: “Tao không đánh mày nhưng mày sẽ chết!”. Câu nói của Phu ám ảnh Loang mãi… Tàn bữa rượu, Loang rủ anh Phu cùng Ksor Cheo (SN 1974) ra chân cầu Tóa Lóa (trên tuyến quốc lộ 25) rồi bảo đốt lửa chờ Loang đi bắt gà, mua rượu về nhậu tiếp. Tại đây, Loang dùng đá đập nhiều nhát vào đầu anh Phu cho đến khi anh gục tại chỗ. Thấy anh Phu đã chết, Loang dùng xe máy chở thi thể anh Phu ra sông Ba rồi vứt xác xuống sông để phi tang.
Ở làng Hlú, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê), bà Rơ Lan H’Doi và hai con bị đánh, bị đập phá nhà đến mức phải điều trị ở bệnh viện. Việc là H’Doi có biết chút ít về nghề bốc thuốc chữa bệnh do ông bà để lại, khi chữa có người trúng bệnh thì khỏi nhưng cũng có người không khỏi. Những người khỏi bệnh thì biết ơn bà Doi, ngược lại cũng có kẻ đồn thổi cho rằng, Doi là “ma lai”, ghét người nào thì không thèm chữa bệnh mà còn bỏ “thuốc thư” cho chết. Chuyện cứ âm ỉ cho đến một hôm con trai của Doi đi làm thuê với một người trong làng, cũng chỉ từ một câu nói trong lúc tức giận của con trai Doi: “Mầy làm biếng thế lấy gì mà ăn, chết đi cho rồi!”, ai dè đến chiều chân thằng bạn sưng to và mặc dù được xác định là do bị gai đâm, nhưng nhiều người vẫn đinh ninh là do bị “thuốc thư”, thế là họ kéo nhau đến nhà Doi đập phá nhà cửa, đánh Doi và hai người con phải đi bệnh viện…
Nhìn chung, sau những vụ việc trên, nhờ có sự chủ động của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cho nên đã kịp thời ngăn chặn không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Phải kiên quyết loại bỏ
Điều đáng nói là những hủ tục mê tín, lạc hậu nêu trên lại bị một số đối tượng xấu lợi dụng để lừa bịp bà con, đó là những “thầy mo” mà theo cách gọi của dân gian là những người có khả năng trừ yêu ma và lấy ra những vật mà người bệnh bị kẻ ác dùng “thuốc thư” bỏ vào người để gây đau đớn.
Xác định đây là một trong những tác nhân duy trì các hủ tục và gây ra các vụ hiểu lầm, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải tìm đúng địa chỉ những “thầy mo”; đồng thời có phương án đấu tranh, vạch mặt các trò lừa đảo để bà con thấy. Gần đây, được tin báo của quần chúng, Công an huyện Mang Yang đã bắt quả tang ông Wung, một “thầy mo” ở làng Đắc Trôi khi đang hành nghề mê tín, lừa đảo người dân. Trước sự có mặt của chính quyền, đông đảo dân làng và những bằng chứng do công an đưa ra, “thầy mo” đã cúi đầu nhận tội. Sau khi bị lật tẩy, “thầy mo” Wung đã công khai xin lỗi dân làng và hứa sẽ không tái phạm nữa.
Theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, trong hai năm 2015, 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 33 vụ có liên quan đến hủ tục “ma lai”, “thuốc thư”, hậu quả làm ba người chết, sáu người bị thương. Điều này chứng tỏ những hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại dai dẳng dù đã được các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động nhiều năm qua.
Trong đợt về tìm hiểu các vụ việc có liên quan đến hủ tục lạc hậu này ở huyện Krông Pa, trao đổi ý kiến với Thiếu tá Hoàng Sỹ Thuật, Phó trưởng Công an huyện được biết, hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn, hủ tục phân xử xích mích cá nhân bằng thi lặn nước, có khi cả hai đều chết vì cố nhịn thở lâu dưới nước, nếu nổi lên trước là người có tội, mà theo phong tục thì người có tội sẽ bị làng phạt rất nặng, có khi tán gia bại sản, bị đuổi khỏi làng và còn mang tiếng xấu với dòng họ, dân làng. Ông Ama Bhiăng (SN 1940), hiện sống ở Đác Lắc, một trí thức người Ê Đê từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh đoàn, Chánh án TAND tỉnh, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh khi nói về chuyện “ma lai”, “thuốc thư” cũng khẳng định: Sự mê tín này rất nguy hiểm. Người ta toàn đồn thổi, truyền miệng từ đời này sang đời khác, chứ có ai thực thấy “ma lai”, “thuốc thư” nó thế nào đâu!…
Sự tồn tại của ma lai, thuốc thư là những hủ tục lạc hậu hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, gây mất an ninh trật tự ở các buôn làng. Mới đây, để ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy xuất phát từ hủ tục, Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền xóa bỏ “ma lai”, “thuốc thư”, biên dịch thành tiếng Việt – Gia Rai – Ba Na để tổ chức tuyên truyền tại các buôn, làng.
Với các vụ án đau lòng đã xảy ra, chính quyền, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng điều tra, xác minh và kiên quyết xử lý theo pháp luật, nhất là những đối tượng cầm đầu, cố tình lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, kích động họ vi phạm pháp luật. Nhưng từ các vụ án mạng thương tâm vừa qua đã cảnh báo một thực tế là, hiện nay trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn đang tồn tại các hủ tục lạc hậu. Điều đó đòi hỏi chính quyền, đoàn thể các cấp ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, cần phải có những biện pháp cấp bách, tích cực; nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân nhằm kiên quyết đẩy lùi và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đó ra khỏi đời sống đồng bào càng sớm càng tốt. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng cần có hình thức phù hợp, giúp đồng bào phân biệt rõ giữa phong tục tập quán và các hủ tục lạc hậu; cần đi vào những vụ việc cụ thể, không nên quá chung chung trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế… Như vậy mới mong giúp đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nhanh chóng từ bỏ những hủ tục lạc hậu, để chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và hòa nhập với cuộc sống mới hiện đại, văn minh.
Ý kiến ()