Loại bỏ hơn 12 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống
Chiều 6-9, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu mới về việc chặn SIM rác, SIM không chính chủ.
Tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ TT&TT đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.
Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, hàng tháng có 1,5 triệu thuê bao mới xuất hiện trên thị trường. Cơ bản các thuê bao mới đều đã được đối soát với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Doãn Mạnh. |
Hiện ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone chiếm 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng này đã kết nối trực tiếp tới Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Khi đăng ký thuê bao mới, các thuê bao của ba nhà mạng này sẽ được đối soát trực tuyến, nếu khớp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao mới được chấp nhận. Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Itel,… hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Định kỳ hàng tháng, các nhà mạng phải gửi số liệu về thuê bao mới về Bộ TT&TT. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống.
Theo Bộ TT&TT, từ 1-8 đến 21-8, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 295 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước (tỷ lệ 90%); Google đã gỡ 764 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 95%); Tiktok đã gỡ bỏ 30 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%). Đặc biệt, Google đã gỡ 5 kênh (chứa 18.900 video) chống phá Đảng, Nhà nước có lượt đăng ký và lượt xem rất lớn.
Bộ TT&TT cũng cho biết, bên cạnh tình trạng mã QR thanh toán tại các cửa hàng bị dán đè khiến tiền chuyển về tài khoản kẻ gian, trong thời gian vừa qua, hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các màn phát sóng trực tiếp (livestream) cũng được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây. Khi người xem quét mã sẽ bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cờ bạc kèm mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại..
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/loai-bo-hon-12-trieu-sim-khong-chinh-chu-tren-he-thong-741677
Ý kiến ()