Loại bỏ dị đoan mùa lễ hội
Theo lệ, sau mỗi dịp “ra Tết”, lúc nông nhàn người dân thường ưa thích những hoạt động du xuân, vui hội, nguyện cầu, lễ bái. Dân gian gọi đây là “mùa lễ hội” lôi cuốn không ít cán bộ “tranh thủ” cả thời gian làm việc để hưởng thụ cái thú vui này. Thoạt trông, nhiều người dễ đánh đồng hai hiện tượng vui hội và lễ bái với nhau. Việc này không phải như hành động tiện thể đến di tích lịch sử, nơi thờ tự thì thắp nén nhang thơm tri ân, tưởng nhớ người xưa; hoặc giả, đi hội để ngắm, trông, xem và thưởng thức không gian văn hóa.
Nhưng nhiều hoạt động “tiếng là” vui hội, song thực tế chính là mê tín dị đoan, cầu nguyện và trả lễ. Hai Tết Nguyên đán gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều lễ hội bị hoãn, bỏ; người dân cũng không du xuân để hạn chế đi lại; nhiều đơn vị, cơ quan, trường học chuyển sang hình thức làm việc, học tập trực tuyến…Trong cái rủi khi Covid-19 làm gián đoạn những niềm vui văn hóa dân gian chân chính thì biết đâu, đây lại là cái may để dẹp đi những biến tướng núp sau lễ hội khi càng có dịp để cái vế sau thực hành nghi lễ mê tín, dị đoan nở rộ và dễ nhận diện.
Không phải ngẫu nhiên, nhiều nơi thờ tự tuyên bố “không khai hội” nhưng vẫn “đón khách” du xuân. Lại là một cách nói, một uyển ngữ chăng? Vì sao vậy? Ấy cũng là vì nhu cầu vay lộc và trả lễ trong dân gian vẫn còn. Khách quan mà nói, nhiều người tu hành hoạt động trong các lĩnh vực tôn giáo, thờ tự không hề khuyến khích hay ủng hộ, thậm chí còn đăng đàn thuyết giảng, phê phán những hoạt động nặng tính dị đoan này. Song dù sao các cơ sở thờ tự cũng vẫn phải mở cửa phục vụ, chiều lòng khách bởi đó là nhu cầu, quyền lợi của người dân đã được quy định trong Hiến pháp – quyền tự do tín ngưỡng. Như vậy, vấn đề nằm ở chính những người dân, cơ sở thờ tự, di tích văn hóa (và thậm chí trong một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên) tại cơ sở, đã hiểu sai, tự huyễn hoặc, mê tín hóa trong việc thực hành tín ngưỡng.
Ở chừng mực nào đấy, được làm việc tại nhà theo hình thức trực tuyến lại là cơ hội để cán bộ có nhiều thời gian hơn trong việc du xuân, lễ bái. Và rồi đã có không ít đoàn hành hương được tổ chức một cách âm thầm. Lễ bái và cầu nguyện không được tổ chức ở chính điện thì sẽ được tổ chức trong hậu điện. Ðể rồi nhìn lên bầu trời thấy tro vàng, khói hương người ta cũng đủ đoán biết những hoạt động cầu cúng, lễ bái vẫn đang diễn ra. Song quy mô và số lượng người tham dự thì rất khó để quản lý. Quả tình nhiều địa phương có di tích lịch sử, cơ sở thờ tự rất khó quản lý, hạn chế, ngăn trở những hoạt động cầu cúng kiểu này. Tuy nhiên, việc giám sát giãn cách xã hội, nhất là đối với những địa phương trong vùng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn có thể tiến hành bằng cách kiểm soát số lượng người đi lại. Nếu thấy nguy cơ tụ tập đông người cao có thể yêu cầu giải tán hoặc có biện pháp phòng ngừa.
Về lâu dài, hiện tượng dị đoan hóa hoạt động thực hành tâm linh tín ngưỡng cần phải được loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội. Và đây là một tiến trình không đơn giản, không phải cứ mệnh lệnh hành chính hóa khiên cưỡng, cứng nhắc, đốt cháy giai đoạn mà được. Sự cực đoan dù theo hướng nào cũng tiềm ẩn hiệu ứng ngược và gây ra hệ lụy lâu dài. Tuyệt đối hóa giải thiêng và vô thần đã cho thấy những kết cục đáng buồn. Song để nuôi dưỡng một quan niệm tín ngưỡng không bị chữ “lợi”, “danh” chi phối, quả không đơn giản.
Thực tế đã cho thấy, dù tín ngưỡng có tốt đẹp đến đâu khi đã biến thành mê tín, dị đoan đều là rào cản trong việc nâng cao nhận thức của con người, là vấn đề của xã hội. Trong những năm qua các ban, bộ, ngành, MTTQ phối hợp chức sắc tôn giáo vận động, tuyên truyền người dân thủ tiêu hủ tục, hạn chế những nghi thức không lành mạnh trong thực hành tín ngưỡng đã thu được kết quả khả quan, đem lại sự lành mạnh cho lễ hội được sự nhất trí, ủng hộ, đồng tình cao trong nhân dân.
Dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều nước nhưng đất nước ta đã biến nguy thành cơ và gặt hái nhiều thành quả trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhân “Tết Covid” – Tết vui trong trạng thái bình thường mới, hãy thẳng thắn nhìn vào mặt trái của lễ hội, chung tay loại bỏ những biến tướng dị đoan, “buôn thần bán thánh”, thương mại hóa lễ hội này luôn một lượt là hay.
Ý kiến ()