Lo trước để thu lợi sau
LSO-Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc nên Lạng Sơn thu hút khá đông lao động từ các nơi tụ về làm ăn. Tuy nhiên khó khăn nhất đối với họ hiện nay vẫn là ổn định chỗ ở để làm việc lâu dài.
Công nhân Công ty Hữu Nghị đóng gói vải xuất khẩu tại cửa khẩu Cốc Nam, huyện Văn Lãng |
Trong vòng hai năm trở lại đây, mỗi năm toàn tỉnh thu hút gần 2.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn. Đi cùng với đó là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, việc trung chuyển hàng hóa diễn ra cũng nhanh và mạnh hơn. Hiện riêng tại 5 huyện biên giới đã có trên 30 doanh nghiệp đầu tư dịch vụ, kho tàng bến bãi với diện tích gần 100 ha. Việc mở rộng thương mại, các loại hình dịch vụ đã khiến cho lao động ở khu vực biên giới tăng lên nhanh chóng. Nếu những năm trước mỗi cửa khẩu chỉ có 1 đến 2 tổ hợp tác bốc xếp thì nay đã có thêm hàng chục doanh nghiệp. Số lao động trực tiếp tại biên giới cũng tăng gấp hàng chục lần. Theo thống kê, thời vụ đông nhất là lao động bốc xếp, vận hành máy móc tại biên giới lên tới trên 3.500 người, chưa kể những lao động dịch vụ, buôn bán tại các chợ… Những lao động này hầu hết ở các địa phương khác nên họ đều phải đi thuê nhà tạm, hoặc trú nhờ nhà dân, các kho bãi của công ty.
Anh Hoàng Văn Cảnh, công nhân bốc xếp tại cửa khẩu Hữu Nghị cho biết: gia đình anh có 3 người, thuê một phòng trọ ở Đồng Đăng, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, nếu có nhà chung cư anh sẽ thuê lâu dài để ổn định cuộc sống. Không riêng gì anh Cảnh, trên 300 lao động của Công ty TNHH Xuân Cương cũng có mong muốn như vậy. Theo ông Nguyễn Hùng Cương – Giám đốc Công ty, hiện công nhân đang rất cần nhà ở, nếu có quỹ đất thì Công ty sẵn sàng xây nhà cho công nhân thuê. Lý tưởng nhất thì nhà nước đầu tư để công nhân mua, thuê lại, có như vậy họ mới đảm bảo cuộc sống, gắn bó lâu dài. Mà khi họ đã an cư thì chắc chắn sẽ thúc đẩy thương mại phát triển, tích cực thu hút doanh nghiệp qua địa bàn. Hiện nay ở biên giới tỉnh cũng đã đầu tư nhà công vụ cho cán bộ. Thế nhưng cán bộ ở biên giới không nhiều, trong khi đó lực lượng lao động, công nhân thì quá đông. Nếu có nhà cho công nhân chắc chắn việc thu hút lao động đến biên giới sẽ tốt hơn. Cho đến nay tất cả các cửa khẩu đều có các doanh nghiệp khai thác dịch vụ, thế nhưng mới chỉ đầu tư được nhà văn phòng. Nhiều công ty vẫn phải đi thuê văn phòng tạm. Công nhân của họ thì chưa thể lo được. Vì vậy mong muốn của các công ty, công nhân là có chung cư cho thuê tại các cửa khẩu chính để họ yên tâm làm việc.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh công ty XNK Sài Gòn FOCOCEF, hiện rất nhiều bạn hàng, doanh nghiệp muốn đưa công nhân ra làm việc tại cửa khẩu, trực tiếp thành lập chi nhánh, thế nhưng xem đi xem lại khó khăn nhất vẫn là chỗ ở cho người lao động. Nếu một vài ngày thì gia đình họ còn nhờ vả, ở tạm nhưng cả năm thì phải tính lâu dài. Việc thuê nhà hiện nay rất khó khăn, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo nên Công ty chưa dám quyết định.
Trao đổi với lãnh đạo nhiều công ty, chúng tôi được biết với những doanh nghiệp hoạt động ổn định họ sẵn sàng vay xây nhà cho công nhân. Thế nhưng vấn đề ở đây là các doanh nghiệp rất thiếu quỹ đất, trong khi đó quy hoạch tổng thể chi tiết các khu vực cửa khẩu ít thấy đề cập quỹ đất xây chung cư cho lao động làm việc tại biên giới. Mong muốn của họ là nhà nước xây dựng cho thuê hoặc doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở có quỹ đất. Cả hai điều đó đang rất cần một chính sách cụ thể.
NHẬT ANH
Ý kiến ()