Lộ trình mới của mô hình công ty tài chính
Trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mô hình công ty tài chính (CTTC) đang dần bị loại khỏi các tập đoàn, tổng công ty. Nhưng cũng với những thế mạnh riêng có, loại hình này lại trở nên "bắt mắt" hơn đối với các ông chủ ngân hàng khi họ đang tìm kiếm những CTTC phù hợp để thu mua.
Những cuộc “ly hôn” nước rút
Hình thành vào đầu những năm 2000, mô hình CTTC thuộc tập đoàn đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn cũng như điều chuyển vốn đầu tư trong tập đoàn. Tuy nhiên, sự suy thoái của nền kinh tế, cùng với việc quản trị của một số công ty chưa nghiêm ngặt đã dẫn tới một số CTTC làm trái nguyên tắc, gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với hệ quả đầu tư ra ngoài ngành của các DNNN, Đề án tái cấu trúc các DNNN đang dần loại mô hình này ra khỏi các tập đoàn.
Theo các đề án tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, số phận của các CTTC có vấn đề về quản trị đã được định liệu như Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao-su Việt Nam sẽ sáp nhập vào Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam,… Còn với nhiều CTTC khác, trong giai đoạn 2015, dù nằm trong kế hoạch phải giảm tỷ lệ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty theo đề án, nhưng những công ty này không gặp nhiều trở ngại. Đơn cử như Công ty Tài chính cổ phần Điện lực, với đề án tái cấu trúc đặt mục tiêu EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ đã không gây nhiều xáo trộn khi tập đoàn này hiện đang sở hữu 40% vốn điều lệ, tương đương với 40% vốn cổ phần.
Mục tiêu không nắm cổ phần chi phối với Công ty cổ phần Tài chính xi-măng của (CFC) VICEM cũng không gây áp lực nặng nề khi tập đoàn hiện đang sở hữu chỉ 39,67% vốn điều lệ của CFC. Tuy nhiên, CFC sẽ đối mặt với việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác tại doanh nghiệp này như VNSteel sẽ thoái toàn bộ 10,91% số cổ phần hiện đang nắm giữ theo đề án tái cấu trúc đến hết năm 2015.
Ngoài ra, với các công ty khác như Công ty cổ phần Tài chính Sông Đà, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tài chính Bưu điện, Công ty cổ phần Tài chính Dệt May… thì việc “rút chân” của các tập đoàn, tổng công ty cũng đã được chỉ rõ với thời hạn cuối cùng là hết năm 2015.
“Lọt” tầm ngắm ngân hàng
Trong khi những cuộc rút dần của các tập đoàn, tổng công ty khỏi CTTC đang dần rõ nét, thì tại các đại hội cổ đông đầu năm 2014 nhiều ngân hàng đã nhận được sự đồng thuận của cổ đông về kế hoạch thâu tóm một tổ chức tín dụng để mở rộng quy mô, đặc biệt là phương án sáp nhập CTTC. Đặc biệt, Nghị định 39/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã cho phép CTTC được thực hiện các hoạt động ngân hàng về phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn của các tổ chức, bảo lãnh, bao thanh toán, cùng Dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến để ban hành trong thời gian tới đang góp phần cổ vũ cho kế hoạch này. Bởi nếu đối chiếu theo quy định của Dự thảo Thông tư, hoạt động cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng, giới hạn về hoạt động đầu tư, và liên quan đến cho vay chứng khoán mà ngân hàng thương mại được phép thực hiện rất hạn chế trong thời gian qua sẽ được chuyển giao cho CTTC.
Những vấn đề nêu trên đã lý giải vì sao thời gian qua thị trường lại chứng kiến nhiều cuộc “kết duyên” giữa ngân hàng và CTTC đến vậy. Cụ thể, tháng 5-2014, Maritime Bank trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Tài chính Dệt May sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của Tập đoàn Dệt May tại công ty này (64,1%). Tháng 6-2014, VPBank cho biết sẽ mua lại Công ty TNHH Một thành viên tài chính Than – Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ Tập đoàn Than -Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Và gần đây nhất, NHNN cũng đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép Techcombank mua lại CTTC cổ phần Hóa chất Việt Nam.
Tuy nhiên, mục tiêu mua CTTC hiện có để phát triển mạnh cho vay tiêu dùng không được các chuyên gia nhìn nhận như một cơ hội lớn, bởi hầu hết các CTTC từ trước đến nay chủ yếu phục vụ thu xếp vốn, bảo lãnh cũng như cung cấp dịch vụ cho các DN trong tập đoàn và rộng hơn là các nhà phân phối của các DN này. Các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng cá nhân chủ yếu là huy động vốn. Tín dụng cá nhân chỉ có ở một vài công ty nhưng cũng chỉ trong nội ngành.
Nhưng cho dù mục tiêu sáp nhập các CTTC để đẩy mạnh hơn nữa mảng tiêu dùng chưa cho thấy kết quả trước mắt, thì theo nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, việc sáp nhập CTTC trong thời điểm này cũng mang tới không ít lợi ích cho các ngân hàng. Bởi lẽ, trong bối cảnh “ngân hàng đốt đuốc tìm DN”, việc sở hữu các CTTC cũng đồng nghĩa với việc chuyển giao sở hữu một số lượng các DN không nhỏ đã được trải qua quá trình thẩm định và sàng lọc của chính các CTTC trước đây. Tổng Giám đốc CTTC cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) Hoàng Trọng Đức nhìn nhận, khi sáp nhập VVF, đương nhiên SHB sẽ có được lợi thế từ một CTTC có sẵn mà không phải làm một đề án rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian. “SHB sẽ đạt được mối quan hệ với Viettel, Vinaconex trong hoạt động với quan hệ tương hỗ lớn khi Viettel có khoản gửi tương đối lớn và các dịch vụ sau đó mà hai tập đoàn này sử dụng của SHB sẽ không nhỏ. Chưa kể giá trị vốn chủ sở hữu nếu theo đánh giá của kiểm toán sẽ cao hơn so với giá trị họ đang mua”, ông Đức nói thêm.
Ngoài ra, việc lựa chọn một CTTC để sáp nhập được các chuyên gia ví như một vé thông hành để có thể thực hiện cho vay tiêu dùng khi Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC được ban hành. “Bởi việc thành lập mới một CTTC là rất khó khi chủ trương của Chính phủ và NHNN là tái cơ cấu, thu gọn hoạt động của các tổ chức tài chính để nâng cao chất lượng”, một chuyên gia kinh tế phân tích.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()