Lò sấy thuốc lá phá rừng
Gỗ rừng phục vụ các lò sấy thuốc lá. Cả nghìn lò sấy thuốc lá ở khu vực đông nam tỉnh Gia Lai đang mở hết công suất cho kịp tiến độ thu hoạch, cùng với đó là từng đoàn xe công nông, xe bò kéo đang oằn mình chở gỗ, củi phục vụ cho nhu cầu sấy thuốc, bỏ lại sau lưng những cánh rừng đang dần cạn kiệt.Vụ thuốc lá năm nay, tỉnh Gia Lai trồng hơn 3.350 ha thuốc lá, trong đó tập trung ở các địa phương như huyện Krông Pa hơn 2.240 ha, Ia Pa 780 ha, Ayun Pa gần 430 ha. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi mùa thu hoạch thuốc lá đi vào cao điểm cũng là thời điểm hàng nghìn lò sấy thuốc lá hoạt động hết công suất. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện có khoảng 1.000 lò sấy thuốc, bình quân ít nhất hai ha thuốc lá/lò sấy, trong số này nhiều nhất là huyện Krông Pa với hơn 700 lò, huyện Ia Pa gần 200 lò và thị xã Ayun Pa hơn 100 lò.Dọc theo quốc lộ 25 đoạn từ cầu sông Bờ...
Gỗ rừng phục vụ các lò sấy thuốc lá. |
Vụ thuốc lá năm nay, tỉnh Gia Lai trồng hơn 3.350 ha thuốc lá, trong đó tập trung ở các địa phương như huyện Krông Pa hơn 2.240 ha, Ia Pa 780 ha, Ayun Pa gần 430 ha. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi mùa thu hoạch thuốc lá đi vào cao điểm cũng là thời điểm hàng nghìn lò sấy thuốc lá hoạt động hết công suất. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện có khoảng 1.000 lò sấy thuốc, bình quân ít nhất hai ha thuốc lá/lò sấy, trong số này nhiều nhất là huyện Krông Pa với hơn 700 lò, huyện Ia Pa gần 200 lò và thị xã Ayun Pa hơn 100 lò.
Dọc theo quốc lộ 25 đoạn từ cầu sông Bờ (thị xã Ayun Pa) xuống tới thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) hoặc trên đoạn đường 662 đi vào xã Pờ Tó (Ia Pa) san sát các lò sấy thuốc lá nằm lẫn trong khu dân cư hai bên đường. Chiều về, trên đoạn đường gần vài chục cây số này, từ các lò sấy đang vào mùa cao điểm sấy thuốc khói đậm đặc trong không khí và cùng với đó là khá nhiều xe chở củi rời khỏi bìa rừng tiến về phía các lò sấy thuốc. Trước cửa lò sấy nào, chủ lò cũng trữ một đống củi to cao ngất ngưởng. Nhìn qua cũng có thể thấy, cái mà người ta gọi là củi ấy có thân gỗ tròn từ 10 đến 20 cm, được cắt thành đoạn tầm 1,2 m, trong đó phần lớn là gỗ dầu, bằng lăng, thậm chí cà chít, căm xe… “Gỗ càng chắc thì khi cho vào lò đốt ngọn lửa hồng than đượm lâu tàn” một chủ lò ở thôn Kơ Nia xã Ia Trok, huyện Ia Pa cho biết. Cũng theo người dân ở đây thì, theo thói quen sấy thuốc lá hiện nay các chủ lò đang áp dụng, cứ một mẻ sấy hai ngày đầu, khi lá thuốc còn tươi, yêu cầu ngọn lửa to để cho nhiệt độ cao phải đốt bằng củi, còn lại ba ngày sau mới chuyển sang sấy bằng trấu để giữ nhiệt độ vừa phải cho lá thuốc chuyển mầu vàng. Và để có củi cung cấp cho các lò sấy này, người dân phải lén vào rừng chặt gỗ, củi mặc dù biết rằng việc này đang bị cấm đoán.
Một ngày tháng 4 sẩm tối, trời lất phất mưa, trên đường đi công tác về huyện Krông Pa, đến chân đèo Tô Na, quốc lộ 25 chúng tôi bắt gặp vài xe bò chất đầy củi và các thân gỗ cháy sém đang trên đường vận chuyển về. Ghé lại hỏi chuyện, anh Nay Blin, chủ một xe bò nói: Phải chờ đến sẩm tối khi ít người qua lại mới dám chở về được, nếu về sớm gặp cán bộ kiểm lâm thì toi công… Anh Blin cho biết thêm, thường anh đánh xe vào rừng từ sáng sớm, chặt gỗ, củi chất sẵn bên bìa rừng, đến trưa thì chất lên xe rồi chờ tối mới chở về. Mỗi xe như vậy chừng 1 ste củi, chở về đến lò anh bán được 500 nghìn đồng. Thường cứ trước mùa thu hoạch một tháng là đến mùa đi chặt củi bán cho các lò. Mấy năm trước mỗi ngày mình chặt được 3, 4 xe, nhưng giờ lò sấy thuốc lá mọc lên nhiều, nhu cầu củi tăng và nhiều người cũng sắm xe đi chặt bán cho các lò nên mình chỉ được hai xe thôi – Anh Blin nói thêm.
Vài năm trở lại đây, cây thuốc lá được giá nên người dân vùng đông nam tỉnh Gia Lai thi nhau chặt bỏ cây điều để lấy đất trồng cây thuốc lá. Cây điều vốn là cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa, với hàng nghìn ha giờ chỉ còn lại một số ít vườn điều cằn cỗi, ít được chăm sóc. Thân cây điều bị chặt hạ và trở thành củi phục vụ cho các lò sấy thuốc lá. Hết củi điều, người ta lại phải tìm cách lên rừng đốn gỗ về để phục vụ cho các lò sấy thuốc lá đang ngày một phát triển trên địa bàn. Đã có thời gian, chính quyền tỉnh Gia Lai có văn bản cấm sử dụng củi để đốt lò sấy thuốc lá và chỉ đạo cho các địa phương có phương án hướng dẫn, thay thế bằng trấu, tuy nhiên do thiếu sự kiểm tra, thiếu kiên quyết xử lý vi phạm của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương cũng như thói quen dùng củi của người dân, không những không hạn chế việc vi phạm của các chủ lò, mà tình hình có phần nghiêm trọng hơn khi các lò sấy liên tục mọc lên và cùng với nó là những cánh rừng đang dần bị cạn kiệt. Lò sấy thuốc lá đang từng ngày “ngốn” hết cây rừng là một thực tế ai cũng thấy, chẳng lẽ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không hề biết ?
Theo Nhandan
Ý kiến ()