Lo ngại về các căn cứ của NATO ở Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014
Căn cứ quân sự của NATO ở Áp-ga-ni-xtan. Theo thỏa thuận đã ký, vào cuối năm 2014, lực lượng quân sự của NATO chấm dứt sứ mệnh quốc tế, rút các đơn vị chiến đấu khỏi Áp-ga-ni-xtan. Lực lượng vũ trang Áp-ga-ni-xtan bảo đảm nhiệm vụ gìn giữ an ninh đất nước. Vấn đề đặt ra là "số phận" của các căn cứ quân sự của NATO tại nước này tương lai sẽ ra sao?Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo đã có kế hoạch phá hủy phần lớn các cứ điểm quân sự để "tránh tình trạng bị lạm dụng" và gây rắc rối mới cho chính quyền địa phương. Nhưng, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan lại muốn giữ lại các căn cứ quân sự này và bản thân lực lượng hồi giáo cực đoan Ta-li-ban đối lập cũng có chung quan điểm với Chính phủ Ca-bun. Trong 10 năm qua, hàng trăm căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy và các tiền đồn của NATO được thiết lập ở nước Nam Á này. Liên minh quân sự NATO đang đàm phán với Chính phủ Ca-bun của Tổng thống H.Ca-dai về việc chuyển giao một số...
![]() Căn cứ quân sự của NATO ở Áp-ga-ni-xtan. |
Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo đã có kế hoạch phá hủy phần lớn các cứ điểm quân sự để “tránh tình trạng bị lạm dụng” và gây rắc rối mới cho chính quyền địa phương. Nhưng, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan lại muốn giữ lại các căn cứ quân sự này và bản thân lực lượng hồi giáo cực đoan Ta-li-ban đối lập cũng có chung quan điểm với Chính phủ Ca-bun. Trong 10 năm qua, hàng trăm căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy và các tiền đồn của NATO được thiết lập ở nước Nam Á này. Liên minh quân sự NATO đang đàm phán với Chính phủ Ca-bun của Tổng thống H.Ca-dai về việc chuyển giao một số căn cứ quân sự, còn hầu hết sẽ được phá bỏ khi các đơn vị quân NATO rút đi. Theo Báo Bưu điện Oa-sinh-tơn, một công ty của Mỹ đã nhận hợp đồng trị giá 57 triệu USD để tổ chức phá dỡ các cơ sở vật chất đó.
Tướng Mỹ Giôn A-len, Tư lệnh lực lượng quốc tế ISAF ở Áp-ga-ni-xtan cho biết, NATO có khoảng 600 cứ điểm quân sự chiến lược lớn nhỏ khác nhau tại đất nước này. Nhiều căn cứ đã “biến mất”, sau khi lực lượng NATO rút đi. Theo lời người phát ngôn của Tổng thống H.Ca-dai, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan yêu cầu NATO trao lại các căn cứ quân sự cho lực lượng vũ trang địa phương và tuyên bố: Đối với Áp-ga-ni-xtan, các căn cứ của NATO rất có giá trị về mặt quân sự, song cũng thừa nhận rằng một số cơ sở sẽ rất khó bảo vệ, nhưng NATO cần trao đổi và thỏa thuận với Chính phủ Ca-bun trước khi phá bỏ, vì do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ không có tiền để tự xây dựng được. Tuy nhiên, một số người khác lại nghĩ rằng Chính phủ Ca-bun không có đủ tiềm lực để tiếp tục duy trì các căn cứ này. Còn giới quân sự nước ngoài thì nhận định, quân đội Áp-ga-ni-xtan không có đủ khả năng để kiểm soát toàn bộ 600 căn cứ, trước hết vì nhiều căn cứ nằm ở các vùng xa xôi hẻo lánh, không có đường giao thông dẫn tới đó và có nguy cơ rơi vào tay lực lượng đối lập Ta-li-ban. Về việc này, nhà phân tích chính trị người Mỹ, ông K.Clác cho rằng, Ta-li-ban hy vọng có thể chiến thắng trong cuộc chiến này và tin rằng quân đội Áp-ga-ni-xtan không sử dụng các căn cứ này chống lại họ. Một nhân vật lãnh đạo của Ta-li-ban giải thích trên mạng in-tơ-nét rằng, quân nước ngoài rút khỏi Áp-ga-ni-xtan là một bước đi tích cực, nhưng họ phá bỏ các cơ sở căn cứ quân sự là “hoàn toàn không hợp lý”, bởi các công trình đó xây dựng trên đất Áp-ga-ni-xtan và một phần được xây dựng bằng nguồn tài chính của Áp-ga-ni-xtan. Do vậy người Áp-ga-ni-xtan “có quyền đối với các cơ sở này”.
Dư luận phương Tây cho rằng, đây có thể là một đòn thăm dò phản ứng của dư luận. Bởi lẽ còn hơn hai năm nữa mới đến thời hạn năm 2014. Và chính quyền Mỹ mới đây đã chính thức quyết định trao cho Áp-ga-ni-xtan quy chế một đồng minh chính không thuộc thành viên Tổ chức NATO và quy chế này có hiệu lực ngay, nhằm tạo nền tảng cho hợp tác an ninh và quốc phòng lâu dài giữa hai nước. Thông tin nêu trên đã được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn công bố tại cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống H.Ca-dai hồi đầu tháng 7 vừa qua. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Đây là một biểu tượng mạnh cho cam kết của Mỹ đối với tương lai của Áp-ga-ni-xtan”. Quy chế này đồng nghĩa với việc Áp-ga-ni-xtan có quyền mua các trang thiết bị quốc phòng của Mỹ và được hưởng quyền vay tiền của Chính phủ Mỹ để mua sắm vũ khí. Mỹ và Áp-ga-ni-xtan đã ký một Thỏa thuận Đối tác Chiến lược (SPA), cho phép Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự hạn chế tại Áp-ga-ni-xtan để huấn luyện binh sĩ và các chiến dịch chống khủng bố.
Trước Áp-ga-ni-xtan đã có những quốc gia thân cận của Mỹ được hưởng quy chế này. Đó là Pa-ki-xtan, I-xra-en, Ai Cập, Nhật Bản, Hàn Quốc, Gioóc-đa-ni, Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Tuy nhiên, ông Clác cũng đã đưa ra cảnh báo: “Khi Liên Xô rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 1989, thì mười năm sau đó, các nhóm vũ trang địa phương vẫn tranh giành nhau những vũ khí để lại như máy bay và pháo cao xạ và hậu quả là khi Áp-ga-ni-xtan rơi vào tình trạng bất ổn thì chính vũ khí đó lại giết hại người dân ở đất nước này”.
Theo Nhandan

Ý kiến ()