Lo ngại khách quốc tế giảm khi hết hạn miễn visa cho nhiều nước
Khách nước ngoài ở Tràng An, Ninh Bình.
Trong tháng 10, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, ước đạt 1,6 triệu lượt người, tăng 3,7% so với tháng trước, và tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách từ châu Á đến tăng cao nhất, đạt 41,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 10, tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy thời gian gần đây, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ. Đó là nhờ vào những thay đổi, cải cách quyết liệt mà Chính phủ mà ngành du lịch đang từng bước thực hiện. Một trong số đó là chính sách miễn thị thực cho một số quốc gia.
Đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khả năng cạnh tranh của thị thực của Việt Nam trong năm qua khá khả quan, với chỉ số thị thực tăng từ mức 116 lên 53, tăng tới 63 bậc, mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực. Chính sách về thị thực trong hai năm qua cũng được cải thiện nhiều, thí dụ như áp dụng chính sách điện tử tăng từ 40 nước lên 80 nước, gia hạn cho năm nước châu Âu miễn visa thêm ba năm. Những cải thiện này đã góp phần không nhỏ làm tăng sức cạnh tranh cho chỉ số về visa của Việt Nam. Đây cũng là những chỉ tiêu trong đánh giá năng lực cạnh tranh về chính sách visa.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh visa gồm ba chỉ tiêu số nước được miễn thị thực, thị thực nhận tại cửa khẩu và thị thực điện tử. Về thị thực điện tử, càng nhiều nước có du khách được nhận thị thực điện tử tại cửa khẩu càng được đánh giá cao. Còn về số lượng nước được miễn visa, hiện nay Việt Nam có chính sách miễn visa cho 24 nước, trong khi đó hầu hết các nước trong khu vực đều miễn thị thực cho nhiều hơn gấp ba, thậm chí hơn gấp tư con số này.
Tuy nhiên, đến ngày 31-12-2019 này, chính sách miễn thị thực của Việt Nam đối với một loạt các nước như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển sẽ hết hiệu lực. Trong số này, thị trường Hàn Quốc đứng thứ hai trong các thị trường nhiều khách đến Việt Nam nhất (22%), chỉ sau Trung Quốc (32%), Nhật Bản thứ ba, Nga đứng thứ năm hoặc sáu tùy theo năm… Tổng số lượng khách của ba thị trường này chiếm tới 1/3 tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu không tiếp tục miễn thị thực cho những thị trường này, khả năng số lượng khách sẽ giảm, trong khi để thu hút được dù chỉ một triệu khách là khó khăn vô cùng. Việc ba nước này hết hạn miễn visa ảnh hưởng tới 1/3 tổng số khách đến Việt Nam.
Ngoài ra, còn một loạt các nước Bắc Âu cũng sắp hết hạn thị thực, trong khi khách ở khu vực này thường là khách có chi tiêu cao, thời gian du lịch lâu.
Đề cập đến vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Quốc gia cho biết, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị giao cho ngành Du lịch là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Bộ Chính trị cũng giao chỉ tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…; thu hút được 17 – 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia mong Chính phủ sớm công bố chính sách gia hạn miễn thị thực này, bởi vì nếu muộn quá sẽ ảnh hưởng đến số lượng du khách đến Việt Nam và cũng khiến chúng ta không giữ được mức độ tăng trưởng như dự kiến. “Chỉ tiêu miễn thị thực của chúng ta hiện nay đã vào loại thấp trong khu vực, việc thu hút khách vốn đã khó khăn rồi lại dừng chính sách miễn visa thì khả năng ngành du lịch bị tác động xấu rất lớn. Không chỉ vậy, còn tác động tới nhiều ngành khác liên quan tới du lịch như giao thông, hàng không, thu nhập của cộng đồng địa phương, ảnh hưởng đến việc làm của người dân… Chúng tôi mong Chính phủ sớm xem xét lại” – Ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.
Ý kiến ()