Lo ngại giá nhiên liệu leo thang
Giá nhiên liệu gia tăng nhanh chóng làm dấy lên những lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Ðại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và nền kinh tế thế giới từng bước mở cửa trở lại, song chi phí nhiên liệu có thể trở thành rào cản lớn với tiến trình phục hồi.
Từ châu Âu đến châu Á, thiếu hụt năng lượng do sự hạn chế nguồn cung từ các nhà khai thác nhiên liệu thô hàng đầu thế giới đang đe dọa làm đóng cửa các nhà máy và tăng giá điện.
Giá dầu Brent, giá tham chiếu của thị trường “vàng đen” thế giới, mới đây đã chạm ngưỡng 80 USD/thùng – mức cao nhất kể từ cuối năm 2018 và được dự báo còn tiếp tục tăng lên mức 90 USD/thùng vào cuối năm nay. Cùng với dầu mỏ, giá than đá và khí đốt tự nhiên trên thế giới trong năm nay cũng đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong nhiều năm. Giới chuyên gia lo ngại, những diễn biến bất lợi của thị trường nhiên liệu sẽ gây ra hiệu ứng domino lạm phát và tạo áp lực lên giá thành của mọi sản phẩm.
Giá nhiên liệu than và khí đốt tăng cao đã buộc một số nhà sản xuất phân bón ở châu Âu phải giảm sản lượng, khiến lưới điện Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu điện năng công nghiệp, làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở cả các nhà máy lớn như Apple và Tesla. Goldman Sachs ước tính, có tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng do thiếu điện, dự báo sẽ khiến tăng trưởng GDP nước này giảm 2% trong quý 4. Tại Anh, một cuộc khủng hoảng chưa từng có đe dọa làm gián đoạn những dịch vụ thiết yếu bởi phần lớn trong 8.000 trạm xăng dầu rơi vào tình trạng cạn kiệt nhiên liệu và buộc phải thông báo đóng cửa. Thiếu hụt năng lượng sẽ còn làm căng thẳng hơn việc cạnh tranh nguồn cung nhiên liệu giữa các quốc gia.
Ðáng lo ngại hơn, khu vực Bắc bán cầu vẫn chưa vào mùa đông lạnh giá, khi nhu cầu sưởi ấm thúc đẩy mức tiêu thụ năng lượng đạt đỉnh điểm. Ngay cả một mùa đông bình thường ở Bắc bán cầu cũng được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt và đẩy giá năng lượng trên toàn thế giới leo thang. Trong trường hợp xấu nhất, châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện và những nhà sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc có thể phải đóng cửa các nhà máy, tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế thế giới được vận hành bởi nhiên liệu và điện. Một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ tác động đến mọi ngõ ngách của nền kinh tế toàn cầu, đe dọa bóp nghẹt chuỗi cung ứng và sẽ làm tăng giá lương thực cũng như khiến lạm phát tăng vọt, cản trở sự phục hồi sau đại dịch ■
Theo Nhandan
Ý kiến ()