'Lỗ hổng' trong quản lý đất đai DNNN và giải pháp của Chính phủ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thất thoát, lãng phí đất đai trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước của giai đoạn 2011-2016 là rất lớn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ thanh tra toàn bộ các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nắm giữ vị trí đất vàng và Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng lãng phí sử dụng đất của khối doanh nghiệp Nhà nước.
Vấn đề “nhức nhối” nhất trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là việc xác định giá trị đất đai và giá trị DN đã được các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ đưa ra nhiều thông tin, nhận định đa chiều để làm rõ bản chất của vấn đề tại phiên thảo luận sáng 28/5.
Thất thoát tài sản DNNN khi không tính giá trị đất đai?
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (tỉnh Tiền Giang) – Ảnh: VGP |
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (tỉnh Tiền Giang), việc xử lý đất đai, xác định quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hoá là vấn đề cần được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá thời gian qua.
Đại biểu dẫn nhận định của Kiểm toán Nhà nước cho rằng hầu hết các tập đoàn, tổng công ty khi cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 đều không tính giá trị đất đai, lợi thế sử dụng đất đai vào giá trị DN. Thực tế, một số DN có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính vào giá khởi điểm để đấu giá bán cổ phần nên giá trúng đấu giá cao hơn nhiều giá khởi điểm như Công ty cổ phần khách sạn Kim Liên có giá khởi điểm bán đấu giá là 30.600 đồng/cổ phần nhưng giá trúng lên tới 274.200 đồng/cổ phần.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng nêu trường hợp thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm theo Nghị định số 59 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, tiền thuê đất không tính vào giá trị DN. Nghị định số 126 của Chính phủ ban hành hồi tháng 11/2017 cũng kế thừa quy định này của Nghị định số 59.
Đại biểu phân tích tiền thuê đất thu hằng năm được tính bằng diện tích phải nộp tiền thuê đất nhân với đơn giá thuê đất hằng năm theo điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về tiền thuê đất, mặt nước. Đơn giá này được tính bằng tỉ lệ % nhân với giá đất tính thu tiền thuê đất khoản 1 điều 4, Nghị định số 46. Trong khi đó, tỉ lệ % tính đơn giá thuê đất thuộc đô thị, trung tâm thương mại dịch vụ đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lợi đặc biệt, có lợi thế sử dụng đất làm mặt bằng kinh doanh thương mại và dịch vụ thì căn cứ thực tế, UBND cấp tỉnh quyết định tỉ lệ % nhưng tối đa không quá 3%/năm, là mức thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn dẫn Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng về đổi mới cơ chế quản lý đất đai chỉ rõ việc xác dịnh giá đất cụ thể còn lúng túng, bộ máy định giá đất chưa đáp ứng yêu cầu, thông tin giá đất còn thiếu và độ tin cậy chưa cao. Do vậy, đại biểu Sơn cho rằng các thông số cơ bản xác định giá đất nêu trên đều không thể hiện hết tính hiệu quả trong xác định giá trị DNNN khi cổ phần hoá.
Các đại biểu Quốc hội khác cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn trước, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định thấp so với giá trị thực của thị trường cũng làm thất thoát tài sản, giá trị của DNNN.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định) thì cho rằng vấn đề “Định giá DNNN không thể nói đúng- sai mà chỉ là tương đối, cần được hiểu là giá trị của DN sát với thị trường thì đúng hơn”. Theo đại biểu tỉnh Nam Định, DNNN chỉ mất vốn khi thực hiện đấu giá cổ phần và đề nghị các cơ quan cần phải tập trung vào giám sát quy trình đấu giá.
Công khai việc xác định giá đất của DNNN
Được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị giải thích thêm về các quy định trong quản lý đất đại của DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước khi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng đất đại của DNNN là rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà – Ảnh: VGP |
Theo đó, nguyên nhân là do các quy định của hệ thống pháp luật đất đai cũng như quá trình cổ phần hoá DN chưa xem xét việc DNNN phải có phương án rà soát, sử dụng quỹ đất nên nguồn lực đất đai chưa được quản lý, đánh giá về giá trị đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng “Khi tính giá trị của DN thì không tính giá trị đất đai vào cũng là không sai vì khi giao đất không thu tiền sử dụng hoặc thu tiền hàng năm, thu tiền sử dụng đất một lần nên việc đưa ngay giá trị đất đai vào giá trị DN là không thể”.
Tuy nhiên, ông Trần Hồng Hà đồng tình với nhiều đại biểu Quốc hội khi đã chỉ ra những bất cập là nhiều DNNN khi cổ phần hoá mà nhu cầu sử dụng đất không nhiều, sử dụng đất lãng phí, nhiều khu “đất vàng” sau cổ phần hoá thì được DN đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng tiêu chí hoạt động và khi áp dụng giá đất do Nhà nước quy định (để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất-PV) có sự khác rất lớn với giá thị trường, nên chưa đánh giá được giá trị khu đất.
Do vậy, Bộ trưởng cho biết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP đã quy định rõ phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá DNNN là DN có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang sử dụng để lập phương án sử dụng đất, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi cổ phần hoá. Qua đây, Nhà nước có thể thu hồi các quỹ đất DN quản lý lỏng hay sử dụng không hiệu quả.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các DNNN, cơ quan quản lý phải công khai việc xác định giá đất trong quá trình cổ phần hóa, tránh thất thoát tài sản Nhà nước.
“Chúng tôi đang thanh tra, kiểm tra các cuộc cổ phần hoá DNNN có đất vàng, trên cơ sở phát hiện sự thiếu minh bạch, không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện nay thì có biện pháp xử lý thích hợp. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tham mưu ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DNNN thành công ty cổ phần sẽ cải thiện tình hình đất đai khi cổ phần hoá DNNN”, ông Trần Hồng Hà cho biết.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()