Lo giá xăng “đẩy” giá tiêu dùng
Nhiều người dân lo ngại giá xăng dầu tăng sẽ kéo giá vận tải, giá hàng tiêu dùng tăng theo.
Qua bốn lần điều chỉnh giá xăng dầu gần đây, có hai lần xăng tăng giá với mức tăng hơn 1.000 đồng/lít, ba lần dầu tăng giá với mức tăng khoảng 1.300 đến 1.500 đồng/lít và một lần giữ nguyên giá bán (ngày 7-6 vừa qua) nhằm giữ ổn định giá bán trong nước. Theo các chuyên gia, diễn biến giá xăng dầu trong thời gian tới có xu hướng tiếp tục tăng. Điều này sẽ kéo theo nỗi lo giá hàng hóa tiêu dùng, cước vận tải sẽ tăng theo, gây tác động không nhỏ tới sự ổn định kinh tế – xã hội.
Giá cước vận tải rục rịch tăng
Hiện nay giá xăng E5 RON 92 đang là 19.940 đồng/lít; xăng RON 95-III là 21.511 đồng/lít; dầu đi-ê-den 0.05S là 17.690 đồng/lít. Như vậy, so với thời điểm đầu năm, giá xăng dầu đã tăng khoảng 1.700 đến 2.500 đồng/lít. Chưa kể vừa qua, Bộ Tài chính lại đề xuất phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng từ mức 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Ðiều này đã đặt người dân trước rất nhiều nỗi lo bởi giá xăng dầu tăng sẽ kéo chi phí sản xuất, vận chuyển tăng lên, đẩy giá cả hàng hóa tăng theo. Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải, các hãng ta-xi đang rục rịch “đòi” tăng giá.
Theo đại diện hãng ta-xi Quê Lụa (Hà Nội), giá xăng dầu thời gian qua liên tục tăng, nếu không điều chỉnh giá cước sẽ gây khó khăn cho hoạt động của DN. Do đó, hãng dự kiến sẽ tăng khoảng 500 đồng/km (mức giá mở cửa hiện tại đối với loại xe bốn chỗ của hãng là 5.000 đồng/500 m đầu, ki-lô-mét tiếp theo là 10.500 đồng, từ ki-lô-mét 26 trở đi giảm còn 9.000 đồng) và được áp dụng trong một, hai tuần tới. Sở dĩ có độ giãn như vậy là vì việc tăng giá cước cần có khoảng thời gian và độ trễ nhất định để DN chuẩn bị như về lô-gô, bảng biển, kẹp chì, phí, nhân lực… Thực chất mỗi lần điều chỉnh như vậy, DN tốn tới hàng trăm nghìn đồng mỗi xe, tính chung một DN có 500 đầu xe đã bị mất khoảng 150 đến 200 triệu đồng cho nên các DN kinh doanh vận tải phải tính toán rất kỹ đối với mỗi lần tăng, giảm giá cước.
Có thể thấy, một khi giá xăng dầu thay đổi sẽ tác động ngay lập tức tới chi phí đầu vào của các DN vận tải, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của họ, cho nên việc điều chỉnh giá là khó tránh. Chỉ có điều, giá cước vận tải tăng thì đối tượng cuối cùng phải gánh chịu vẫn là người dân. Anh Trần Phương, một người chạy xe ôm, sống tại quận Tây Hồ (Hà Nội) đang chán nản vì giá xăng liên tục tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Theo lời anh Phương, trước đây chỉ dám lấy 10 nghìn đồng/km. Nay xăng tăng giá mạnh, nếu lấy lên 12 nghìn đến 13 nghìn đồng/km thì khách lại chê đắt, chẳng ai muốn đi, chủ yếu chỉ có khách quen gọi chở hoặc ship (chuyển) đồ. “Những ngày gần đây trời nắng nóng, khách bắt xe ôm giảm nhiều, chuyển sang đi ta-xi. Chưa kể, từ ngày có dịch vụ xe ôm công nghệ trên điện thoại, dân xe ôm truyền thống như chúng tôi cũng chẳng còn khách. Bây giờ, xăng mà cứ tăng giá vùn vụt thế này thì chỉ đến mức bỏ nghề” anh Phương nói.
Giá thực phẩm tăng 10 đến 15%
Khảo sát giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống như Long Biên, Thành Công, Thanh Xuân, chợ Mơ,… giá rau xanh, thịt lợn đã tăng từ 10 đến 15% so những ngày đầu tháng 5. Cụ thể, giá thịt lợn đang ở mức 100 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg; giá thịt bò khoảng 280 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/kg; rau củ quả cũng tăng từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg tùy loại. Mặc dù giá các mặt hàng thiết yếu tăng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, nguồn hàng về chợ vẫn dồi dào. Lý do được tiểu thương đưa ra là do giá xăng dầu tăng mạnh, làm tăng chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất, giết mổ đến chợ.
Tuy nhiên, theo khẳng định của nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, tính đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ đơn vị, DN nào đề xuất tăng giá cước vận tải. Thực tế cũng đã chứng minh, trước đây luôn tồn tại tình trạng “té nước theo mưa”, khi giá xăng dầu tăng thì dịch vụ, hàng hóa tăng theo, nhất là giá cước vận tải. Khi đó, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh, thương nhân lợi dụng đẩy giá hàng hóa tăng cao hơn thực tế chi phí. Hay nói đúng hơn, giá xăng tăng một thì giá hàng hóa tăng mười. Vì vậy, việc giá hàng hóa có tăng trong những ngày qua rất có thể là do các tiểu thương đã “mượn” cớ xăng dầu tăng giá để tăng giá hàng hóa.
Có thể thấy, dù giá cước vận chuyển hàng hóa chưa tăng nhưng hiện giá thực phẩm, rau xanh trên thị trường đã tăng trong khi nguồn hàng nhập về các chợ vẫn dồi dào. Dự báo, đến khi giá cước vận tải được điều chỉnh tăng sẽ đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trước áp lực tiếp tục tăng theo. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 5 tăng 0,55% so tháng trước, đây là tháng 5 có CPI tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng qua tăng cao là do ảnh hưởng từ hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày 8-5 và 23-5. Hai đợt tăng giá xăng dầu này đã tác động làm CPI chung tăng 0,16%. Theo tính toán, nếu giá xăng dầu trong nước tăng khoảng 25% sẽ tác động làm CPI năm 2018 tăng khoảng 1,34%. Vì vậy, việc tăng giá các loại hàng hóa cần được quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh hiện tượng mượn cớ giá xăng dầu tăng để tăng giá các loại hàng hóa một cách vô tội vạ. Trong đó, phải xác định được mặt hàng nào tăng giá cao do tác động trực tiếp, mặt hàng nào tăng giá thấp do tác động gián tiếp. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành vi tự ý tăng giá gây thêm khó khăn cho đời sống của người dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()