Thứ 4, 01/01/2025 09:57 [(GMT +7)]
Lộ diện 3 ẩn số phim Tết
Chủ nhật, 30/01/2011 | 15:11:00 [(GMT +7)] A A
Nếu như Thiên sứ 99 mang tiếng cười nhẹ nhàng, Cô dâu đại chiến đầy hóm hỉnh, trào lộng thì Bóng ma học đường lại đem đến tiếng cười ám ảnh
Ba ẩn số phim Tết được công chúng quan tâm bấy lâu cuối cùng đã lộ diện. Cả ba phim đều lấy sự hài hước làm tâm điểm khai thác, các nhân vật cũng có một hành trình đầy tiếng cười, tất cả đều chung một thông điệp: ca ngợi nét đẹp và giá trị của tình yêu. Nhưng điều thú vị là các phim Tết năm nay lại trải dài theo các không gian tâm linh: thiên đình, trần gian và địa phủ.
Huỳnh Anh và Diễm My trong phim Thiên sứ 99
“Thiên sứ” đấu với “cô dâu”
Hai bộ phim Thiên sứ 99 và Cô dâu đại chiến như là hai mảng đối lập của tình yêu và kết quả dẫn đến cho các nhân vật là tất yếu. Thần tình yêu Thiên Minh (Huỳnh Anh) của Thiên sứ 99 quyết tâm và chân thật với tình yêu nên cuối cùng được hạnh phúc. Còn anh chàng đào hoa Thái (Huy Khánh) trong Cô dâu đại chiến thì không tìm nổi một tình yêu chân thực vì cái “tội” gặp ai cũng yêu.
Tuy nhiên, đó chỉ là giá trị trầm lắng phía sau những hình ảnh hài hước trên phim – vốn là yếu tố luôn bị khán giả đem ra mổ xẻ. So với Cô dâu đại chiến thì Thiên sứ 99 có vẻ “thua đủ đường”: cốt truyện không hấp dẫn, rời rạc, thiếu hài hước, không đủ liều lượng và thiếu duyên dáng, diễn viên diễn xuất không nổi trội và chưa thể tạo ấn tượng gì đặc biệt hơn là danh hiệu “hot boy, hot girl” của các diễn viên trẻ.
Mặc dù không có kỹ xảo, không bối cảnh thiên đình lung linh, cũng không lãng mạn bay bổng như Thiên sứ 99 nhưng câu chuyện hài với những nhân vật đặc biệt của Cô dâu đại chiến đã “làm nên chuyện” khi đủ sức khiến khán giả “cười mệt nghỉ”. Bên cạnh nét diễn xuất rất có duyên của Huy Khánh trong vai chàng Don Juan hiện đại, 5 “kiều nữ”: Lê Khánh, Ngân Khánh, Vân Trang, Phi Thanh Vân và Đinh Ngọc Diệp đều phát huy được lợi thế riêng của mình với 5 nhân vật “không đụng hàng”.
Cảnh trong phim Cô dâu đại chiến Ảnh: C.T.V
Đạo diễn Victor Vũ rất biết khai thác sự hài hước trong từng cử chỉ, lời thoại của diễn viên để tạo nên một “đường dây cười” xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, dù đôi lúc hơi cường điệu. Một cuộc náo loạn đám cưới độc đáo trên đường phố với đủ thứ vũ khí của các cô dâu bị phụ tình: dao nhà bếp, ống tiêm, kiếm và gậy đánh gôn. Cũng như Giao lộ định mệnh, Victor Vũ đã cho Cô dâu đại chiến một kết cục bất ngờ. Tuy nhiên, dù lý giải được tất cả những hành động khó chấp nhận của nhân vật Linh (Đinh Ngọc Diệp) và để lại bài học nhãn tiền cho anh chàng đào hoa Thái nhưng phim vẫn chưa thật sự thuyết phục. Đây chính là phần mất điểm nhất của Cô dâu đại chiến. Nhưng, vẫn có thể khẳng định rằng với những gì thể hiện trên phim cùng sự góp mặt của dàn diễn viên nổi trội, Cô dâu đại chiến hoàn toàn có thể tự tin hút khán giả đến rạp trong mùa Tết này.
Ám ảnh Bóng ma học đường
Cũng khai thác tiếng cười và lấy “ngôi sao điện ảnh Hoài Linh” làm tâm điểm chú ý cho bộ phim, cùng sự góp mặt của những gương mặt đang ăn khách của làng showbiz như ca sĩ Tim, Wanbi Tuấn Anh, Trương Quỳnh Anh… nhưng đằng sau sự hài hước của Bóng ma học đường là cả một nỗi ám ảnh: vấn nạn bạo lực học đường.
Nhiều bạn trẻ đang chịu đựng những chấn thương tâm lý nặng nề ngay trong môi trường hình thành nhân cách. Ở cái tuổi cần sự chăm sóc, dìu dắt yêu thương thì họ lại chịu quá nhiều mất mát từ gia đình, không được bảo vệ cả trong nhà trường. Để rồi kết cục của những uất ức, đau đớn tổn thương đó là cái chết – mà người trẻ xem đó là lối thoát tất yếu cho tất cả những đau khổ trên đời.
Trương Quỳnh Anh và Wanbi Tuấn Anh trong phim Bóng ma học đường
Có quá nhiều cái chết không đáng có đã được gióng lên như một hồi chuông báo động: Ngô Vinh (Thiên Minh), Nana Ly (Elly Trần) chết chỉ vì yêu người nhưng không được đáp lại; Thanh Mai (Đinh Ngọc Diệp) chết vì nỗi nhục nhã bị nhóm bạn xé áo quay phim trước cổng trường; Thiên Kim (Trương Quỳnh Anh) muốn tìm đến cái chết vì cuộc sống ngột ngạt trong gia đình; Minh Quân (Wanbi Tuấn Anh) cũng một lần yếu đuối vì bị nhóm bạn nam dằn mặt hành hạ trong nhục nhã… Bên cạnh đó, phim lên án truyện kinh dị bạo lực – vốn cũng là “viên thuốc đen” làm hoen ố tâm hồn của người trẻ.
Bộ phim Bóng ma học đường như muốn phơi bày hết những mặt trái của cuộc sống thời hiện đại. Theo đó, một bộ phận giới trẻ có vật chất đủ đầy nhưng những tổn thương về tinh thần cũng không sao đong đếm hết. Tuy nhiên, cũng chính vì muốn đưa vào phim tất cả những bi kịch của tuổi học trò trong nhà trường mà Bóng ma học đường đã không thể đủ sức khắc họa rõ nét hơn các nhân vật, cho họ một số phận và cách giải quyết đầy đủ, trọn vẹn hơn.
Dù sao thì vẫn phải ghi nhận Bóng ma học đường không phải là phim hài hước câu khách giản đơn mà còn mang giá trị giáo dục đầy ý nghĩa.
Mâm cỗ phim Tết đã bày, dù không có phim nào thật sự hoàn hảo nhưng nếu nói theo kiểu “phim Tết mà, vậy là được rồi” như khán giả vẫn thường nhận xét vào những mùa phim trước thì năm nay vẫn có thể lặp lại câu nói đó. Và, nếu chỉ xét ở góc độ chọc cười khán giả thì cũng có thể nói cả 3 phim Tết năm nay ít nhiều đã cùng góp phần tạo nên hiệu ứng: Cười cả làng.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()