"Lỗ đen nhân tạo" đầu tiên trên thế giới
Tạp chí Khoa học số ra mới nhất tuyên bố, “lỗ đen nhân tạo” đầu tiên trên thế giới đã ra đời tại một phòng thí nghiệm thuộc Đại học Đông Nam, Trung Quốc.
Tạp chí này cho hay, mặc dù có kích thước mini nhưng “lỗ đen nhân tạo” vừa được tạo ra cũng không để bất cứ dạng vật chất nào thoát khỏi trường hấp dẫn khủng khiếp của nó, kể cả ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, khác với những lỗ đen trong vũ trụ mà con người luôn lo lắng về một nguy cơ hủy diệt, giờ đây chúng ta hoàn toàn có thể bỏ những “lỗ đen” này vào trong túi xách của mình.
Con người đã chế tạo thành công hố đen nhân tạo. Ảnh: Internet. |
Cui Tiequn và Cheng Qiang, thuộc Đại học Đông Nam Trung Quốc, hai người đứng đầu chương trình nghiên cứu khẳng định: “Trên thực tế, lỗ đen mà chúng tôi tạo ra không hoàn toàn là một lỗ đen theo nghĩa nghiêm ngặt của từ này”. Theo giáo sư Cheng Qiang, họ sử dụng một thiết bị mô phỏng để tạo ra các loại “ lỗ đen nhân tạo”.
Hiện tại, thiết bị này mới chỉ hấp thu được sóng điện từ. Tuy nhiên, Cheng Qiang tin rằng trong tương lai nó có thể hấp thụ cả ánh sáng. Và ngoài sóng điện từ, “ lỗ đen nhân tạo” này không thể hấp thu bất cứ bất cứ vật chất nào.
Theo ông Cheng Qiang, “ lỗ đen nhân tạo” mà họ tạo ra không những không phải là loại “ lỗ đen” nguy hiểm như người ta biết tới. Ngược lại, trong tương lai nó có thể giúp con người hấp thu tốt hơn nguồn năng lượng mặt trời.
Từ đầu năm nay, hai nhà khoa học người Mỹ là Evgenii Narimanov và Alexander Kildishev đã cho công bố những luận điểm lý thuyết và phương án thiết kế để chế tạo một “lỗ đen mini”. Phương án họ đưa ra là tạo ra “ lỗ đen nhân tạo” mô phỏng một số tính chất của lỗ đen, có khả năng hút những vật chất có tính phóng xạ xuất hiện ở gần nó và chuyển vào trung tâm của “ lỗ đen” theo hình xoắn ốc.
Tuy nhiên, khi cả Evgenii và Alexander, hai nhà khoa học của trường Đại học Purdue chưa kịp hiện thực hóa ý tưởng của mình thì một “ lỗ đen nhân tạo” đã kịp ra đời ở Trung Quốc.
Thực tế, lỗ đen nhân tạo mà hai nhà khoa học Trung Quốc tạo ra so với lỗ đen thực sự trong vũ trụ có sự khác biệt rất lớn. Điều này không chỉ là ở kích thước mà nguyên lý tồn tại của hai loại lỗ đen này hoàn toàn khác nhau.
Lỗ đen trong vũ trụ có thể “nuốt” tất cả mọi vật chất, kể cả ánh sáng bởi mật độ vật chất cực lớn của nó. Trong khi đó, “ lỗ đen nhân tạo” lại là một thiết bị mô phỏng tính chất của sóng ánh sáng khi bị lỗ đen hút vào. Thiết bị này làm cho sóng ánh sáng khi tiếp cận sẽ bị cong lại đồng thời hút nó vào trung tâm.
Điều này có nghĩa là mặc dù cả hai loại lỗ đen đều tạo ra cùng một kết quả đối với sóng ánh sáng xuất hiện ở xung quanh song việc tiếp nhận ánh sáng hoàn toàn không giống nhau.
Ý kiến ()