Lo cơm "dỗ" trẻ đến trường
Trong khi trẻ em một số địa phương đã sớm xác định phải đi học mới có kiến thức để tiến thân trong tương lai, thì ở Hà Giang lại xảy ra điều ngược lại. Đó là trường có cơm, trẻ mới chịu đến học.
Mỗi trường nợ hàng trăm triệu đồng
Thời điểm này năm ngoái, Ban giám hiệu của 83 trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang như “ngồi trên lửa” bởi trường nào cũng ôm số nợ hàng trăm triệu đồng. Sở dĩ có số nợ này là do theo quyết định 85/2010/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc bán trú và trường PTDT bán trú thì mỗi học sinh trong diện sẽ được hỗ trợ mức 40% lương tối thiểu. Tuy nhiên, do một vài trục trặc nên số tiền này chưa thể chuyển về địa phương cho dù năm học đã kết thúc.
Trong điều kiện khó khăn của tỉnh nghèo thứ nhì cả nước, Sở Tài chính Hà Giang đã phải “loay hoay giật gấu vá vai” thực hiện chế độ tạm cấp 50% cho học sinh với mức thực nhận tại thời điểm đó là khoảng gần 200 nghìn đồng/học sinh/tháng.
Thầy Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiên Nguyên, huyện Quang Bình lúc đó từng nói với người viết rằng: “Ngay như cấp đủ 100%, tức xấp xỉ 400 nghìn đồng/tháng, nhà trường vẫn chưa biết đi chợ như thế nào mới đủ. Vì trong số tiền này, ngoài thực phẩm như rau, thịt, dầu mỡ thì còn có cả củi lửa, mắm muối và cả phí vận chuyển cho 26 ngày ăn, mỗi ngày ăn ba bữa. Đằng này…”
Không được cấp đủ tiền, nhưng khi chứng kiến đàn con hôm nào cũng nhìn vào bếp, BGH các trường PTDT bán trú trên địa bàn tỉnh đã phải quyết định làm công việc nằm ngoài giáo án. Đó là phải ra chợ, đặt vấn đề mua nợ thực phẩm để nuôi học sinh. Vì các thầy cô đều biết, nếu thiếu ăn chắc chắn các em sẽ bỏ về nhà, không đi học nữa.
Ám ảnh bởi những lần phải cắt rừng vào bản vận động trẻ đến trường, thầy Trần Văn Tuyên, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Nà Khương đã không ít lần đong đếm thiệt hơn: “Thi thoảng thầy cô trong trường đã phải lấy tiền túi để giúp vì sợ các em thiếu ăn, bỏ về, lúc đó đi vận động quay trở lại trường học còn vất vả hơn nhiều”.
Khoảng 100 người có bằng tốt nghiệp cấp III
Các giáo viên trẻ ở vùng cao kể nhiều mẩu chuyện không biết nên khóc hay cười. Đó là lúc họ phải tiếp những phụ huynh cho con đến trường nhưng không quan tâm đến chất lượng học tập mà chỉ để ý đến nguồn hỗ trợ. Và cả những gia đình rất muốn con có chữ nhưng vì nghèo nên đã buộc con nghỉ học giữa chừng để phụ giúp làm kinh tế.
Ông Đàm Văn Bông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang hiểu rõ điều này khi tới 80% học sinh trên địa bàn đến trường nhờ vào các nguồn hỗ trợ của TƯ và địa phương. Ông Bông chia sẻ: “Với người dân sống ở các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, việc lo cho con em đến trường hằng ngày là một vấn đề rất nan giải. Vì đường xa, vì khó khăn, nhiều em phải bỏ học giữa chừng”.
Theo ông Chủ tịch tỉnh, đó là lý do khiến “chương trình cử tuyển dù rất hay nhưng có một số nơi chính quyền địa phương vẫn không tìm được học sinh có đủ điều kiện để cử đi học. Có huyện chỉ có khoảng 100 người tốt nghiệp cấp III.”
“Nếu việc này kéo dài sẽ rất khó cho việc bổ sung nguồn cán bộ”- Chủ tịch Đàm Văn Bông dự báo.
Hướng đến mục tiêu lâu dài
Trước thực trạng này, năm ngoái, HĐND tỉnh Hà Giang đã thông qua Nghị quyết 22 nhằm hỗ trợ thêm cho nhóm đối tượng học sinh nằm ngoài Quyết định 85 của Chính phủ bằng ngân sách địa phương.
Rút kinh nghiệm của năm trước, từ đầu năm học 2012- 2013, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu ngân sách trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 8- 10% nhu cầu chi, nhưng lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã cùng Sở Tài chính tỉnh cân đối các khoản để ưu tiên phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Ngoài việc chi hỗ trợ cho số học sinh theo nghị quyết HĐND tỉnh, Hà Giang còn phải tạm ứng trước khi TƯ chưa cấp tiền để chuyển cho số học sinh theo quyết định 85TTg, với tổng mức gần 100 tỷ đồng. Toàn bộ số kinh phí này đã được Sở chuyển phòng tài chính các huyện để giải ngân cho các trường”.
Từ sự kịp thời này của tỉnh, năm nay, BGH các trường PTDT bán trú đã không còn cảnh vừa làm công tác giảng dạy vừa lo chủ nợ đến tìm.
Theo ông Vũ Văn Sử, Phó Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hà Giang, “điều này đã giúp thầy cô giáo phấn chấn hơn và sự quan tâm này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các trường PTDT bán trú giữ chân học sinh lại với lớp học, hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài”.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()