Livestream bán hàng: Thêm “lối ra” cho nông sản
Thời điểm này, một số địa phương đã lên kế hoạch tiêu thụ nông sản trước khi vụ thu hoạch chính thức bắt đầu. Tìm đầu ra ổn định cho nông sản luôn là bài toán khó với không ít địa phương và bán hàng theo phương thức livetream là một trong những “lối ra” đầy tiềm năng cho việc tiêu thụ nông sản Việt.
Thu hàng trăm triệu từ bán hàng livestream
Tháng 8/2023, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn Sơn La đã tổ chức chương trình tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn.
Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên tỉnh Sơn La đã được tập huấn kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.
Sau hơn 4 giờ với 12 phiên livestream (bán hàng bằng cách phát video trực tuyến), các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đã bán được 5 tấn nhãn Sông Mã, 2.350 đơn hàng khác, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, năm 2024, sản lượng trái cây trên địa bàn tỉnh Sơn La dự kiến đạt trên 391.000 tấn. Bắt đầu từ tháng 4, các loại cây ăn quả sẽ thu hoạch tập trung, trong đó mận khoảng trên 80.000 tấn; xoài khoảng 77.800 tấn; nhãn khoảng 81.000 tấn; sơn tra khoảng 6.500 tấn…
Với sản lượng dồi dào, năm 2024, Sơn La xác định rất rõ nhãn, xoài, mận, thanh long, mận, thanh long, sơn tra… là những sản phẩm chủ lực lớn, cần có những giải pháp tiêu thụ riêng căn cứ theo từng mùa vụ, cả ở trong nước và xuất khẩu. Trong đó, livestream bán hàng trên các mạng xã hội, trang thương mại điện tử là một trong những giải pháp tìm đầu ra quan trọng.
Cùng với nhãn Sơn La, năm 2023, dưới sự hỗ trợ của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada… và đặc biệt là sự vào cuộc của Tiktok, nhiều loại nông sản đã có những phiên bán hàng qua livetream thu về kết quả rất khả quan như bí xanh thơm Bắc Kạn, vải thiều Lục Ngạn…
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, việc bán hàng qua livestream được đánh giá là một trong những giải pháp giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Trong thời gian qua, những cuộc livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc với nhiều tiểu thương, doanh nghiệp nhờ tính hiệu quả cao. Đối với nông sản, từ sau dịch Covid-19, nhiều nông dân trên cả nước đã thay đổi cách thức bán hàng, làm quen với việc livestream quảng bá, bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội hay thương mại điện tử.
Trong báo cáo "Báo cáo Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại châu Á-Thái Bình Dương” do TikTok phát hành mới đây, số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so các công cụ tìm kiếm truyền thống.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong 1-2 năm tới đây khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm - giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số. Đây là cơ hội lớn để tiêu thụ nông sản qua hình thức bán hàng livestream.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ tháng 2/2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác chiến lược với nền tảng TikTok Việt Nam nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chương trình OCOP quốc gia.
Sáng kiến Chợ phiên OCOP nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên đã thành công mang sản phẩm OCOP, trong đó phần lớn là nông sản, đặc sản địa phương quảng bá đến đông đảo cộng đồng trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.
Với sự hỗ trợ, song hành của TikTok Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động như kết nối với các địa phương tổ chức các phiên chợ OCOP.
Sau một năm triển khai, chương trình đã đi qua 38 tỉnh, thành phố từ bắc vào nam như: Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau…
"Sau hơn một năm triển khai các Chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok Việt Nam đã có hơn 800 phiên livestream đạt 1,4 tỷ lượt xem. Qua đó, đã hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến… Bình quân mỗi phiên livestream, doanh thu đạt 130-150 triệu đồng.
“Với nhãn hàng phi nông sản thì đó là con số khiêm tốn, nhưng với nông sản thì là con số lớn”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Sau hơn một năm triển khai các Chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok Việt Nam đã có hơn 800 phiên livestream đạt 1,4 tỷ lượt xem. Qua đó, đã hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến… Bình quân mỗi phiên livestream, doanh thu đạt 130-150 triệu đồng.
|
Từ kết quả tích cực đã đạt được, ông Nguyễn Minh Tiến đánh giá hiện còn rất nhiều dư địa mà các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có thể phát triển. Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mới đây Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã khảo sát ở Trung Quốc bởi đây là thị trường rất lớn tiêu thụ nông sản. Qua chuyến khảo sát cho thấy khoảng 90% nông sản của Việt Nam tiêu thụ ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam…
Nhưng nhiều địa phương của Trung Quốc như Hà Nam, Thượng Hải, Chiết Giang, Hồ Bắc… cũng có nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn. Hoạt động livestream bán hàng được kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà có thể tiến tới livestream bán sang thị trường Trung Quốc. Nếu thành công, sẽ có thêm một kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả.
Đẩy mạnh hỗ trợ cho nông dân
Ở khu vực nông thôn, miền núi hiện nay có rất nhiều nông sản, đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, nếu thị trường tiêu thụ chỉ là chợ truyền thống sẽ không phát triển được sản xuất. Trong khi đó, các nền tảng công nghệ cho phép chủ cơ sở xây dựng, làm chủ các "chợ online" để bán hàng mọi lúc, mọi nơi, tương tác trực tiếp với khách hàng không giới hạn ở trong hay ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, thông qua livestream bán hàng nông sản, nhiều nông dân đã thành công. Theo đó, doanh số bán hàng lúc đầu chỉ 30-40 triệu đồng mỗi lần livestream, nay đã tăng lên 150-200 triệu đồng, thậm chí có cá nhân lên đến 300-500 triệu đồng. Tuy vậy, việc bán hàng thông qua kênh livestream của nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy họ rất cần được đào tạo.
Chính vì vậy, tới đây Trung tâm sẽ không chỉ mời những người nổi tiếng mà tại mỗi địa phương, sẽ chọn ra 10-15 người để tập huấn, đào tạo trở thành người livestream bán hàng nông sản.
Việc thúc đẩy và đào tạo được nhiều người bán hàng trên mạng xã hội sẽ tạo nên một niềm hy vọng không chỉ cho những người kinh doanh mặt hàng nông sản mà còn còn là niềm hy vọng chung cho những người làm kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc bảo quản, vận chuyển nông sản cũng đang là thách thức. Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Chủ đầu tư sàn thương mại điện tử Postmart) cho biết, nông sản của bà con được chia làm hai, một là nông sản khô, hai là nông sản tươi.
Nông sản khô thì bà con có thể bán trên các sàn thương mại điện tử rất dễ dàng. Nhưng nông sản tươi thì lại là một bài toán khác. Bởi nông sản tươi với đặc điểm phải giao nhanh, hàng hoàn trả có khả năng phải bỏ vì hư hỏng nên cần phải có cách bảo quản, cũng như đầu tư hạ tầng logistics phù hợp mới bảo đảm tính hiệu quả.
Đồng ý kiến, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, bài toán bảo quản, vận chuyển để giữ được chất lượng nông sản là bài toán khó nhất. Để có chất lượng thì toàn bộ hoạt động khuyến nông phải được làm bài bản, trước đây khuyến nông từng hộ thì giờ khuyến nông các tổ hợp tác, HTX để có chuỗi giá trị và liên kết.
Trước đây là 1 khâu thì giờ phải theo chuỗi cho đến khi sản phẩm ra thị trường. Giữ được chất lượng đến tay người tiêu dùng thì sẽ giữ chân được người tiêu dùng.
Ý kiến ()