Livestream bán hàng: Góp phần quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc trưng của tỉnh
- Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, mua - bán hàng theo hình thức phát sóng trực tiếp (livestream) đã và đang trở thành xu thế quen thuộc của người tiêu dùng - người bán hàng trên cả nước. Không nằm ngoài xu thế chung, hình thức kinh doanh này được tiểu thương trên địa bàn tỉnh thực hiện ngày càng nhiều. Qua đó góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản đặc trưng trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020, ngay khi mới thành lập, một số thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông trang sinh thái Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đã thực hiện bán hàng theo hình thức livestream trên trang Facebook cá nhân của mình. Năm 2023, việc livestream bán hàng tiếp tục được các thành viên thực hiện trên trang Fanpage HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn và mở rộng sang nền tảng mạng xã hội TikTok. Kể từ đó đến nay, trung bình mỗi tuần, các thành viên duy trì livestream bán hàng 1-2 buổi với những ưu đãi dành cho các khách hàng đặt mua trực tiếp trên sóng với các sản phẩm như: chanh rừng, mật ong rừng, gà 6 ngón, rượu men lá.
Việc đẩy mạnh kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, đặc biệt qua hình thức livestream đã làm tăng số lượng đơn hàng của HTX so với các hình thức bán hàng thông thường. Theo thông tin từ HTX, nếu như giai đoạn năm 2020 - 2022, doanh thu trung bình của HTX đạt trên 50 triệu đồng/năm thì hiện nay, con số này đã lên đến trên 150 triệu đồng/năm.
Không chỉ có HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn, những năm gần đây, việc sử dụng hình thức bán hàng này được các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Là một trong những tiểu thương được nhiều người tiêu dùng trên cả nước biết đến trong thời gian gần đây qua việc livestream bán hàng nông sản, bà Đặng Thị Thơ, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Từ đầu năm 2022 đến nay, tôi bắt đầu thực hiện livestream (chủ yếu trên nền tảng TikTok) để bán nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tài khoản Tiktok hiện nay tôi sử dụng để livestream là "Cô Thơ Ơi 68" với hơn 93.000 người theo dõi. Đều đặn mỗi ngày tôi thực hiện 2 phiên livestream vào buổi sáng và buổi tối, thu hút trung bình 500 người xem. Tiêu biểu tháng 5/2024 vừa qua, phiên livestream bán sản phẩm Thạch đen Đức Quý (huyện Tràng Định) của tôi có trên 1.200 người xem và nhận được hơn 150 đơn hàng từ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhận thấy hiệu quả từ hình thức bán hàng này, các cấp, ngành đã và đang có những định hướng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực số, kỹ năng số cho trên 6.000 thành viên thuộc 1.622 tổ công nghệ số cộng đồng tại 11 huyện, thành phố. Trong chương trình bồi dưỡng, tập huấn có nội dung về việc sử dụng cửa hàng số, hoạt động mua, bán qua các nền tảng mạng xã hội, gồm cả hình thức livestream.
Cùng đó, các huyện, thành phố cũng có sự quan tâm và tạo điều kiện cho việc phát triển xu thế bán hàng mới. Ông Từ Như Hiển, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Lãng cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Văn Lãng về tổ chức tập huấn kinh doanh qua mạng xã hội và xử lý vi phạm hành chính các hoạt động gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử, tháng 10/2024, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã phối hợp với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử trực thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị tập huấn "Hướng dẫn kinh doanh qua mạng xã hội" cho gần 100 đại biểu đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn huyện. Nội dung tập huấn là áp dụng các phương pháp kinh doanh mới qua các nền tảng mạng xã hội, trong đó tập trung hướng dẫn bán hàng theo hình thức livestream. Đồng thời, chúng tôi cũng tham mưu đưa hoạt động livestream bán hàng nông sản vào trong khuôn khổ Lễ hội Hồng vành khuyên do UBND huyện tổ chức ngày 1/11. Hoạt động vừa nhằm mục đích quảng bá nông sản đặc trưng của huyện, vừa là cơ hội để các tiểu thương trên địa bàn huyện thực hành kỹ năng bán hàng livestream.
Theo đó, với 2 phiên livestream được tổ chức tại vườn hồng của HTX Nông sản Toàn Thương (buổi chiều) và tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP trong khuôn viên Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (buổi tối) trên nền tảng Facebook và TikTok, đã có khoảng 500.000 lượt tiếp cận, doanh số bán hàng khoảng 200 triệu đồng.
Với đặc điểm tạo sự thu hút, sức lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, việc tiếp cận hình thức bán hàng livestream đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt cho hoạt động kinh doanh của nhiều tiểu thương, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tổng Cục thuế đã thực hiện việc kê khai thuế đối với các hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và kết nối với Cục Thuế tỉnh để thực hiện việc thu thuế theo đúng quy định. Do đó, để đảm bảo kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội theo đúng quy định của pháp luật, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong thời gian tới, Sở Công Thương cùng các cơ quan liên quan như Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường... sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện kinh doanh trên sàn thương mại điện tử qua việc kiểm tra, giám sát trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội, trong đó có livestream bán hàng. Ngoài ra hiện nay, một số sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội cũng đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và quản lý chặt chẽ về chất lượng đơn hàng dựa theo đánh giá của người mua hàng. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân cần đảm bảo nêu cao trách nhiệm, uy tín đối với người tiêu dùng về các sản phẩm cung cấp ra thị trường để hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội phát huy hiệu quả và đúng theo quy định của pháp luật.
Sự phát triển mạnh mẽ của hình thức livestream bán hàng đã từng bước thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng hiện đại. Được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, hình thức bán hàng qua livestream hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển, qua đó tiếp tục góp phần quảng bá, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh trong thời gian tới.
Livestream bán hàng là hình thức bán hàng trực tuyến qua video phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Khi livestream, người bán vừa giới thiệu sản phẩm, vừa trực tiếp trả lời thắc mắc của khách hàng cũng như tương tác với người xem. Người xem có thể đưa ra câu hỏi, nhận xét, và đặt mua sản phẩm ngay trong phiên livestream. Hình thức bán hàng này giúp tạo sự gần gũi, tăng tính tương tác với khách hàng và thu hút sự quan tâm của nhiều người cùng lúc, góp phần tạo "đột biến" trong doanh số và mở rộng tệp khách hàng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh. |
Ý kiến ()