Lĩnh vực rủi ro được kiểm soát tốt, tăng trưởng tín dụng đạt 10,14%
Dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019 và năm 2021, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12%.
Ngày 24/12, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2020 và định hướng năm 2021.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 18/12, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt.
Tại họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm lãi suất điều hành và là một trong các Ngân hàng Trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Tính đến 21/12, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Phó Thống đốc, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP. Cụ thể, so với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8,63% (chiếm 8,59% tổng dư nợ toàn nền kinh tế); ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% (chiếm 28,38%); ngành thương mại dịch vụ tăng 11,5% (chiếm 63,03%).
Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: So với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%…
Tín dụng vào lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết thêm, dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019 và năm 2021 ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12%./.
Ý kiến ()