Linh thiêng nguồn cội đất tổ Hùng Vương
– Câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba” mang ý nghĩa giáo dục và bản sắc văn hóa dân tộc là “Ăn quả nhớ người trồng cây” để ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng và những thế hệ đi trước đã đổ xương máu gìn giữ non sông đất nước.
Lạc Long quân và Âu Cơ được xem là thủy tổ của người Việt, là cha mẹ của các vua Hùng. Lễ hội được diễn ra vào ngày mồng mười, tháng ba âm lịch hằng năm tại đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Lễ rước kiệu dâng lễ vật cung tiến về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven thành phố Việt Trì Ảnh: Báo Phú Thọ
Từ xa xưa, Lễ hội Đền Hùng đã có vị thế trong tâm thức của người Việt. Cách đây hơn 2.000 năm, thời An Dương Vương đã dựng cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa đập”. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi đã từng xác nhận “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương. Điều đó khẳng định vai trò to lớn của các vua Hùng đối với non sông đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời vua, sau được sao lại vào năm Khải Định thứ 4 (1919): “Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là Lê Trung Ngọc có tờ từ xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày “quốc tế”. Tương truyền ngày 11 tháng 3 là ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 thì nay ngày “quốc tế” được chọn trước một ngày. Ngày lễ chính chỉ có dân sở tại làm lễ”.
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc thời đại Hùng Vương, công lao khai thiên phá thạch mở nghiệp sơn hà của các vua Hùng luôn được khắc ghi trong tâm thức của mọi người dân đất Việt. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng triệu bước chân con Lạc cháu Hồng nô nức hành hương về Đền Hùng thành kính, niềm tin thiêng liêng trở về với cội nguồn dân tộc. Ngày Giỗ Tổ – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức đúng với tầm vóc là lễ hội lớn của dân tộc, thiêng liêng gắn với việc vinh danh, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng bào và du khách.
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 SL/CTN ngày 18/2/1946 công nhận ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Từ đó đến nay, ngày 10/3 hằng năm, chính quyền và Nhân dân vùng đất Tổ cùng muôn dân khắp các vùng trong cả nước, kính cẩn làm lễ dâng hương để tưởng nhớ các vua Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng: lần đầu tiên vào ngày 19/9/1954, lần thứ hai vào ngày 19/8/1962. Chính tại nơi này, Người đã có câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Thi gói bánh chưng, giã bánh dầy tại Lễ hội đền Hùng 2019. Ảnh: Báo Phú Thọ
Hiện nay, tại khu vực Đền Hùng hiện vẫn còn khá nhiều dấu tích về thời dựng nước. Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh có điện Kính Thiên. Tương truyền đây là nơi các Vua Hùng lên tế lễ trời đất mong mưa thuận gió hòa, muôn dân no đủ cũng là nơi thờ thần Núi, thờ thần Hạt lúa. Trên đỉnh núi Trọc còn có hòn đá Cối Xay (còn gọi là Đá Ông, Đá Bà) gắn với nghi thức cầu xin thực khí. Đền Trung là nơi Hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày cho cuộc chọn người kế vị thời Vua Hùng thứ 6. Khu vực Đền Hạ là nơi Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con là nguồn gốc của cộng đồng người Việt. Đền Giếng là nơi thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng thứ 18. Nếu lấy Đền Hùng làm tâm điểm và mở rộng ra xung quanh với bán kính vài chục ki lô mét, ta thấy dày đặc các giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể. Đó là kho tàng văn hóa dân gian với biết bao truyền thuyết, lịch sử, nghi thức lễ hội, trò diễn hội làng… liên quan đến thời đại Hùng Vương được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Từ huyền thoại lịch sử cha Lạc Long Quân kết duyên cùng mẹ Âu Cơ sinh ra “bọc trăm trứng”, đến những việc trọng đại quốc gia như chọn đất đóng đô, chọn người hiền tài giúp vua, giúp nước đánh giặc ngoại xâm đến, chọn người kế vị, cầu mùa màng tươi tốt đến việc thường ngày như dạy dân cấy lúa, chăn tằm ươm tơ, làm bánh, nấu mật, ca hát giao duyên… Mỗi truyền thuyết đều gắn với một địa danh, một lễ hội cụ thể ở vùng đất Tổ – Phú Thọ. Theo chuyện kể về thời các vua Hùng, xem các di vật khảo cổ, ta có thể hình dung ra một cách rõ nét về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, đánh giặc giữ làng và nhiều phong tục tập quán cha ông ta thời ban đầu dựng nước.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều văn bản để quy định, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức lễ hội Đền Hùng và quy định được nghỉ ngày lễ hội Đền Hùng, cán bộ công chức, viên chức vẫn được hưởng lương. Trong ngày lễ, Nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt ở nước ngoài đều có thể hành hương về đất tổ để cúng giỗ. Còn tại những nơi có đền thờ Hùng Vương và những nhân vật có công với đất nước, thời đại Hùng Vương thì tuỳ theo điều kiện từng địa phương, con cháu có thể tổ chức nghi lễ giỗ vọng, cùng hướng về vùng trung du phía Bắc, nơi đặt đền thờ các vua Hùng để khấn vọng, tưởng nhớ các vị tổ tiên cội nguồn chung của cả dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng trước đây, hiện nay và mai sau luôn là điểm tựa tâm linh cho muôn người con đất Việt. Hành hương về Đền Hùng là niềm tin thiêng liêng trở về với nguồn cội của dân tộc. Điều đó làm chúng ta tự hào về tuyền thống và lịch sử văn hóa tổ tiên cha ông để lại, càng ý thức hơn về trách nhiệm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa để làm cho nó có sức sống mãnh liệt, lâu bền không chỉ cho hôm nay mà còn cho muôn đời sau.
MAI TÙNG
Ý kiến ()