Linh thiêng lễ tế trời đất trên đỉnh núi Ngũ Nhạc ở Hải Dương
Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc là nghi thức đặc trưng của lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc nhằm cầu trời đất, thần linh, tiên thánh phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Ngày 7/2, tức ngày 17 tháng Giêng, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023 tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, cầu cho quốc thái dân an.
Đây là nét riêng có, đặc trưng của lễ hội truyền thống mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc.
Dẫn đầu đoàn tế là đội lân, bát âm, chiêng trống và tiếp nối là đại biểu, nhân dân, du khách trong, ngoài nước. Đoàn tế xuất phát từ chân núi Ngũ Nhạc, lần lượt dâng hương tại 5 miếu: Bắc Nhạc Miếu, Trung Nhạc Miếu, Tây Nhạc Miếu, Đông Nhạc Miếu và Nam Nhạc Miếu. Tại Trung Nhạc Miếu, trung tâm của Ngũ Nhạc Linh Từ, Ban Tổ chức đã tiến hành nghi lễ tế trời đất.
Chủ tế là lãnh đạo tỉnh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương. Các đại biểu và nhân dân tham dự buổi lễ đã thành kính cầu trời đất, thần linh, tiên thánh phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Kết thúc lễ tế, lãnh đạo tỉnh đã phát ngũ cốc cho đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân.
Theo Ban Tổ chức, ngũ cốc (thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng) là những loại hạt nuôi sống con người và muôn loài. Thóc tượng trưng cho hành Thổ, ngô tượng trưng cho hành Kim, đỗ tượng trưng cho hành Hỏa, lạc tượng trưng cho hành Mộc, vừng tượng trưng cho hành Thủy trong ngũ hành. Người dân hồ hởi đón nhận ngũ cốc và thành kính cầu trời đất, tin tưởng vào một năm mới nhiều điều tốt lành.
Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết, theo quan niệm của người xưa, Ngũ Nhạc là mạch núi thiêng ở Côn Sơn. Đây là vùng đất phúc, nơi ngự của Phật, Thánh và các vị thần cai quản việc cát, hung, họa, phúc của muôn loài.
Ngũ Nhạc gồm 5 ngọn núi thiêng tượng trưng cho 5 phương tương ứng với các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bởi vậy, trên mỗi đỉnh núi đều có một nơi thờ các vị thần của tự nhiên: Thanh Đế ở phương Đông, Bạch Đế ở phương Tây, Xích Đế ở phương Nam, Hắc Đế ở phương Bắc và Hoàng Đế ở Trung tâm.
Trong tín ngưỡng dân gian, lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc để cầu phúc, tránh họa, mong cho mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.
Xưa kia, lễ tế do dân làng An Mô (xã Lê Lợi, Chí Linh) thực hiện. Theo thời gian, nghi lễ bị thất truyền. Năm 2008, theo Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu và phục dựng hoàn chỉnh nghi lễ để đưa vào chương trình lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc hàng năm.
Năm 2012, Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ tế hàng năm đều thu hút đông nhân dân trong, ngoài tỉnh Hải Dương tham dự đã khẳng định những nỗ lực của địa phương trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị của nghi lễ độc đáo này cũng như của các giá trị di sản văn hóa dân tộc, đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân./.
https://www.vietnamplus.vn/linh-thieng-le-te-troi-dat-tren-dinh-nui-ngu-nhac-o-hai-duong/844658.vnp
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()