Lính quân y “mũ nồi xanh” khắc phục khó khăn, hoàn thành sứ mệnh
Vượt lên trên tất cả khó khăn, những người lính quân y Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 ở Nam Sudan đoàn kết, kiên cường cùng nhau vượt qua thử thách, hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế cao cả.
“Chuyến bay C17 cất cánh tại Thủ đô Juba, Nam Sudan và hạ cánh tại sân bay Nội Bài là những giây phút mà tôi có nhiều cảm xúc dâng trào nhất. Đó là cảm giác vui mừng khôn xiết của ngày trở về với Tổ quốc, quê hương, gia đình và người thân sau gần 18 tháng ròng rã.”
Đó là chia sẻ của Thiếu tá Cao Thùy Dung, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, sau khi cùng các cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đáp chuyến bay từ Juba, Nam Sudan, về nước hôm 24/4 vừa qua.
Lên đường thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan từ tháng 11/2019 với thời hạn 01 năm theo kế hoạch nhưng do đại dịch COVID-19, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã phải kéo dài nhiệm vụ công tác trên thực địa thêm gần 6 tháng so với dự kiến với nhiều khó khăn đột xuất phát sinh.
Tuy nhiên, bằng sự đồng lòng, ý chí và quyết tâm, những người lính quân y “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao.
“Khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ kéo dài thời gian công tác tại địa bàn, tôi và nhiều đồng chí cảm thấy rất hụt hẫng, không biết bao giờ mình có thể trở về với gia đình, với đất mẹ Việt Nam. Tuy nhiên, là một người lính, sau giây phút suy nghĩ ban đầu, cùng với sự động viên quan tâm của chỉ huy các cấp, chúng tôi đã sốc lại tinh thần, xác định rõ nhiệm vụ. Chúng tôi hiểu rằng, trong điều kiện bình thường, việc kéo dài thêm thời gian công tác tại Phái bộ là một điều hoàn toàn có thể xảy ra chứ chưa nói khi tình hình dịch bệnh đang bùng phát,” Đại úy, bác sỹ Nguyễn Việt Phương, Trưởng khoa Nội-Truyền nhiễm, Tổ trưởng Tổ điều trị COVID-19 Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, chia sẻ với phóng viên TTXVN.
Khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19
Tháng 4/2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Nam Sudan cũng là lúc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 phải đối mặt với sự thiếu thốn trang thiết bị vật tư y tế.
Hàng hóa mang từ Việt Nam sang bắt đầu cạn dần trong khi việc tiếp tế không thể thực hiện do Nam Sudan đóng cửa biên giới, các chuyến bay quốc tế và nội địa bắt buộc phải tạm dừng.
Đất nước Nam Sudan vốn bị tàn phá nặng nề bởi cả một thập kỷ chìm trong xung đột, chiến tranh, đời sống người dân vô cùng khó khăn và hệ thống y tế là con số không tròn trĩnh. Vì vậy, quốc gia này khá mong manh trước “con sóng thần” mang tên đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi buộc phải chắt chiu từng chiếc khẩu trang y tế, từng viên thuốc để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh và dự trữ phòng khi dịch bệnh bùng phát với số lượng bệnh nhân lớn,” Trung tá, bác sỹ Võ Văn Hiển, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chia sẻ.
Khu vực Bentiu, nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam đóng quân được xác định là địa bàn phức tạp với rất nhiều khó khăn. Các nhân viên Liên hợp quốc di chuyển nhiều, quân số ở các đơn vị thường xuyên biến động do thực hiện kế hoạch đổi quân nên dễ mang theo mầm bệnh từ nơi khác đến, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu, không có điều kiện xét nghiệm để sàng lọc dịch bệnh. Thêm vào đó, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế tại đây cũng là nguy cơ rất dễ xảy ra lây lan bệnh tật.
Trong hoàn cảnh đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã chủ động triển khai khu cách ly với các phương tiện trang thiết bị cần thiết, sẵn sàng cấp cứu, thu dung và điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19.
“Khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng đường dây nóng của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 Việt Nam duy trì 24/7, không bỏ qua bất kỳ trường hợp nào có dấu hiệu bất thường về sức khỏe,” Trung tá Võ Văn Hiển cho biết.
Ngoài ra, bệnh viện thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập các tình huống có thể xảy ra, xây dựng quy trình đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện, xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đơn vị và đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên trong các tình huống nguy hiểm.
Bác sỹ Nguyễn Việt Phương kể lại kỉ niệm đáng nhớ trong nhiệm kỳ 18 tháng tại Phái bộ Bentiu (Nam Sudan) khi một ca bệnh là nam sỹ quan người Mông cổ được chẩn đoán theo dõi lao màng phổi.
Bác sỹ Nguyễn Việt Phương cho biết theo quy định của Liên hợp quốc, những trường hợp như thế này sẽ phải chuyển lên bệnh viện cấp cao hơn, hoặc thậm chí phải cho hồi hương.
Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, các chuyến bay vận chuyển bệnh nhân gần như đóng băng. Bệnh nhân được quyết định theo dõi, điều trị lâu dài tại Bệnh viện. Sau nhiều lần chọc hút dịch màng phổi và điều trị thuốc chống lao tích cực theo đúng phác đồ, tình trạng lâm sàng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.
Bệnh nhân và các bác sỹ phụ trách y tế, chỉ huy tiểu đoàn Mông Cổ – đơn vị quân chủ lực của Phái bộ – hết sức vui mừng và cảm ơn tập thể y bác sỹ Việt Nam.
“Đây có lẽ là một ca bệnh được theo dõi và điều trị dài ngày nhất của khoa, huy động trí tuệ tập thể nhiều cán bộ, y bác sỹ của Bệnh viện trong điều kiện xét nghiệm, thuốc men, trang bị vật tư y tế tại địa bàn còn nhiều thiếu thốn,” Bác sỹ Phương cho biết.
Theo Bác sỹ Võ Văn Hiển, với những đóng góp y tế tích cực, BVDC2.2 Việt Nam đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các cơ quan quản lý của Phái bộ ở Juba và Bentiu.
Quyết tâm hoàn thành sứ mệnh
Trở về nước an toàn, các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 không quên những ngày tháng hoạt động trong điều kiện muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt tại địa bàn.
Bác sỹ Nguyễn Văn Quỳnh hướng dẫn vận hành máy gây mê cho nhân viên hồi sức bệnh viện Bentiu, bang Unity, Nam Sudan. (Nguồn: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã nhanh chóng trở thành thách thức lớn nhất, chưa từng có tiền lệ đối với mọi mặt của hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trên thế giới nói chung và ở Nam Sudan nói riêng.
Có những thời điểm cán bộ, nhân viên của Bệnh viện rất hoang mang, lo lắng khi diễn biến tình hình an ninh, chính trị tại địa bàn trở nên căng thẳng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hoặc khi trong đơn vị, hay người thân ở quê nhà đau ốm. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, suy nghĩ của cán bộ, nhân viên Bệnh viện.
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả khó khăn, những người lính quân y “mũ nồi xanh” đã đoàn kết, kiên cường cùng nhau vượt qua thử thách, vượt lên chính mình, tiếp tục tiến lên hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế cao cả và nhân đạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Tại Bentiu, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác xa nhà dài ngày trong môi trường khắc nghiệt, cũng như nhiều thiếu thốn về vật chất, chúng tôi luôn tâm niệm cần phát huy truyền thống vẻ vang suốt 76 năm qua của Quân đội ta: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua,” Thượng úy, bác sỹ Từ Quang, Đội trưởng Đội cấp cứu đường không, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, chia sẻ.
Khép lại 18 tháng ròng rã xa Tổ quốc, gia đình để thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, những người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời bình vô cùng tự hào khi được đóng góp một phần trách nhiệm của cá nhân trong nhiệm vụ chung của quân đội, quốc gia. Đặc biệt hơn, góp phần vào nhiệm vụ quốc tế đa phương đó còn là sự hy sinh, cống hiến của những nữ quân nhân Việt Nam.
“Tôi cảm thấy được ý nghĩa to lớn khi được là quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam sống trong thời bình và được tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của quân đội, quốc gia, dân tộc, trong đó không thể thiếu là hình ảnh của người Phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong mắt bạn bè quốc tế,” Thiếu tá, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 Cao Thùy Dung chia sẻ./.
Ý kiến ()