Linh kiện ôtô: Sản lượng thấp, nội địa cũng không rẻ hơn nhập khẩu
Tại hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 30/10, rất nhiều hạn chế được chỉ ra, nhưng vẫn là những hạn chế đã được chỉ ra từ lâu, nguyên nhân không mới và giải pháp đề ra rất khó thực hiện.
Vấn đề là chính sách thực thi sao cho hiệu quả, nếu không có bước đột phá trong thực thi, rất khó có thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô ở Việt Nam.
Đầu tư còn nhỏ lẻ
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ôtô, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô.
Con số này quá thấp so với 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô. Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng như: các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, dây phanh, ống xả, ghế ngồi…
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa.
Ông Nguyễn Đức Toàn, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) liệt kê một loạt hạn chế kèm nguyên nhân, như dung lượng thị trường nội địa hạn chế, thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất trong ngành ôtô khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận các chuỗi sản xuất ôtô ở nước ngoài.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng, linh kiện, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Thậm chí năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao…
“Hiện tại chúng ta vẫn chưa chủ động được các vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô như thép chế tạo, nhựa và chất dẻo… chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm,” đại diện Cục Công nghiệp nói.
Quan trọng vẫn là chính sách thực thi
Nói về ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô của Việt Nam, ông Shinnjro Kajikawa, Phó Giám đốc Toyota Việt Nam chỉ ra 3 vấn đề cần phải quan tâm, đó là: chất lượng, chi phí sản xuất và thời hạn giao hàng. Bên cạnh đó những hạn chế về sản lượng cũng là nguyên nhân được chỉ ra từ lâu nhưng chưa giải quyết được.
Ông Shinnjro Kajikawa phân tích, do sản lượng thấp, nếu chúng ta nội địa hóa các linh kiện thì giá thành cũng không thể rẻ hơn so với linh kiện nhập khẩu. Hơn nữa, sản xuất trong nước sẽ có giá thành cao hơn vì chúng ta phải dựa vào linh kiện nhập khẩu từ các nước ASEAN và chúng ta cần phải chi trả cả những chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu cho những linh kiện nhập khẩu này..
Do đó, theo ông, sản xuất xe ở Việt Nam sẽ có chi phí cao hơn xe nhập khẩu từ 15-30%… và để tính chi phí vận chuyển cho giá xe nhập khẩu về Việt Nam thì chi phí sản xuất nội địa vẫn đắt hơn từ 10-20%…
Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tính thực thi của các chính sách đến đâu và sẽ triển khai thế nào trong thời gian tới.
Theo chuyên gia này, dù đưa ra các gói chính sách rất nhiều nhưng quan trọng nhất là phải xem chính sách đó đến được doanh nghiệp là bao nhiêu qua đó mới thấy được bước tiếp theo cần phải tập trung vào hỗ trợ chỗ nào.
Cũng theo đại diện của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, muốn thực thi tốt được thì phải có sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau, nếu thiếu liên kết, thực thi tách riêng, độc lập nhau thì cũng rất khó đạt được, bởi theo bà, doanh nghiệp hiện nay cần năng lực tổng hợp nhiều hơn và quan trọng nhất vẫn là chính sách thực thi../.
Ý kiến ()