Linh hoạt trong khuyến học, khuyến tài để đáp ứng yêu cầu phát triển
Sự học không thể ngừng dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Khuyến học Việt Nam đang thúc đẩy mô hình “Công dân học tập” đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0 trong tình hình mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn cho nước ta trở thành một nước giàu mạnh, thì dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái.”
Thấm nhuần tư tưởng của Người, công tác khuyến học, khuyến tài của nước ta trong những năm vừa qua đã được quan tâm phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động khuyến học đang dần đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Lan tỏa tinh thần khuyến học
Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu; giáo dục-đào tạo ngày càng trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự học trong nhân dân.
Đặc biệt, tháng 9/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 (Đại hội lần thứ Nhất Hội Khuyến học Việt Nam) là “Ngày Khuyến học Việt Nam.”
Kể từ đó, ngày 2/10 đã trở thành ngày hội khuyến học của toàn xã hội quan tâm đến sự học. Sự kiện này cũng trở thành dấu mốc quan trọng để kết nối, hội tụ các hoạt động và sáng kiến khuyến học, khuyến tài, tôn vinh các giá trị văn hóa học tập của từng vùng miền, dân tộc, địa phương, cộng đồng.
Ngày Khuyến học Việt Nam cũng góp phần cổ vũ và khích lệ phong trào thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo hướng phục vụ các nhiệm vụ phát triển, đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong thời kỳ chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tổ chức Hội đã phủ kín tận các xã, phường, thị trấn với trên 20,7 triệu hội viên. Nhiều khu dân cư, tổ dân phố, bản, làng, đến các dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp đã có các chi hội, ban khuyến học để tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Điều này khẳng định sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân cả nước đối với phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hội Khuyến học Việt Nam luôn xác định “xây dựng xã hội học tập từ cơ sở” là mục tiêu và nội dung hoạt động. Hội đã chủ động và sáng tạo xây dựng nhiều mô hình hoạt động sâu rộng trong nhân dân với hàng triệu gia đình hiếu học, hàng nghìn chi tộc hiếu học, hàng chục nghìn thôn bản, tổ dân phố khuyến học.
Các mô hình đạt tiêu chí “mô hình học tập” đến thời điểm hiện nay đều đạt và vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra. Cụ thể, mô hình “gia đình học tập” vượt 1,77%; “dòng họ học tập” vượt 16,51%; “cộng đồng học tập” vượt 5,38%; “đơn vị học tập” vượt 35,73%.
Bên cạnh đó, Quỹ khuyến học của Trung ương Hội và các tỉnh thành hội, Quỹ phát triển tài năng và nhân tài đất nước ngày càng nhiều, phát huy hiệu quả, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng các mô hình học tập cần thiết trong cấu trúc xã hội học tập ở nước ta; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo.
Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, trong 25 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã có những bước phát triển toàn diện. Nhờ sự vào cuộc, đồng lòng của nhân dân và sự quyết tâm cao độ của đội ngũ làm công tác khuyến học mà nhận thức về công tác khuyến học, sự cần thiết của sự học được nâng cao.
Tinh thần khuyến học không chỉ có ở các xã , phường, thị trấn mà giờ đã lan đến các cơ quan, đơn vị, trường học…
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cũng cho biết, các mô hình học tập được triển khai trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả tốt, làm cho thu nhập của nhân dân được nâng lên rõ rệt, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn địa phương.
Đặc biệt, tình đoàn kết trong cộng đồng ngày càng được nâng lên. Qua khảo sát của Hội khuyến học Việt Nam, có tới 97% ý kiến cho rằng nhờ có phong trào khuyến học, các mô hình học tập mà các cháu học sinh đã chăm ngoan, chịu khó học tập hơn và không có các tệ nạn xã hội.
Người dân cũng đánh giá rất cao sự lan tỏa của Quỹ khuyến học trong việc kích thích, thúc đẩy sự học của cả xã hội gồm người lớn và trẻ nhỏ.
Linh hoạt theo tình hình mới
Hiện nay, Hội Khuyến học Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ VI (2021-2026) dự kiến diễn ra cuối năm 2021. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay các hoạt động kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10) không thể diễn ra.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, Trung ương Hội đã chỉ đạo các hệ thống hội ở các địa phương tham gia tích cực lời kêu gọi và phát động của Tổng Bí thư, Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19 trong toàn hệ thống.
Đặc biệt, trước khi Thủ tướng phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em,” Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã phát động chương trình “Máy tính cho em.”
Chương trình tập trung hỗ trợ trẻ em nghèo, con gia đình công nhân, nông dân không có điều kiện mua sắm thiết bị học tập, ưu tiên các hộ gia đình nghèo ở cấp huyện.
Hiện, chương trình đang được các tỉnh, thành hội thực hiện rất tích cực. Điển hình là Quảng Bình đã tặng được 1.500 máy; Phú Thọ 1.000 máy; Hà Nội đã tặng 25 máy tính và 600 triệu đồng cho Hội Khuyến học 7 huyện cùng một số cơ sở khác để hỗ trợ mua máy tính, dụng cụ học trực tuyến cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương…
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, chương trình được thực hiện đến khi không còn trẻ em thiếu máy tính. Hội cũng chỉ đạo các cấp hội thống kê số lượng học sinh có thiết bị cũ giờ không dùng được để thay máy mới cho các cháu.
Trong điều kiện khó khăn về kinh tế-xã hội, nhất là khó khăn do dịch COVID-19, căn cứ theo tình hình thực tế của từng địa phương, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã linh hoạt chỉ đạo các cấp hội thực hiện nhiều hoạt động phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phong trào khuyến học.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan chia sẻ, sự học không thể ngừng dù dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, Hội Khuyến học Việt Nam phải chuyển hướng để thúc đẩy học online (trực tuyến) chất lượng; chuyển tải thông tin trực tuyến vẫn đầy đủ tri thức. Đồng thời, cần thúc đẩy thêm mô hình mới trong giai đoạn tới đó là “Công dân học tập” đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0.
Trong nhiệm kỳ tới “Công dân học tập” sẽ là nòng cốt trong việc thúc đẩy 4 mô hình học tập của Hội là “Gia đình học tập,” “Dòng họ học tập,” “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập.”
Khó khăn nhất trong xây dựng mô hình “Công dân học tập” nằm ở năng lực sử dụng các công cụ tương tác như máy tính, các thiết bị nghe nhìn, học tập và ngoại ngữ của người học.
Để giải quyết khó khăn này, Hội Khuyến học Việt Nam xác định phân ra từng nhóm đối tượng và các tiêu chí nhỏ, đáp ứng từng đối tượng lao động để ai cũng có thể sử dụng được máy vi tính, ngoại ngữ ở mức độ nhất định.
Việc triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” theo hình thức này đã được Hội triển khai tại 63 tỉnh, thành phố và đem lại nhiều kết quả tích cực.
Trong nhiệm kỳ V (2016-2021), Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW như tài nguyên giáo dục mở, học online (trực tuyến), học tập suốt đời của người lớn…
Nhiệm kỳ tới, Hội sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong cộng đồng và hành động để Việt Nam trở thành một thành viên tích cực của UNESCO.
Thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam vẫn tập trung xây dựng mô hình thành phố học tập, khu đô thị học tập. Hội Khuyến học các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030, theo hướng nâng cao chất lượng các mô hình học tập; tiếp tục phát triển Quỹ khuyến học hỗ trợ người lớn và trẻ em học tập.
Bên cạnh đó là việc củng cố và phát triển các tổ chức Hội Khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, thôn, khu dân cư… tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()