Linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
Ở Việt Nam thời gian qua có một đặc điểm rất đáng lưu ý là bên cạnh chính sách thắt chặt hay nới lỏng chung lại có một số ngoại lệ, thậm chí biệt lệ cho một số khu vực cần ưu tiên, ưu đãi.
Ở Việt Nam thời gian qua có một đặc điểm rất đáng lưu ý là bên cạnh chính sách thắt chặt hay nới lỏng chung lại có một số ngoại lệ, thậm chí biệt lệ cho một số khu vực cần ưu tiên, ưu đãi.
Ðiều này thể hiện tính linh hoạt chung của chính sách tiền tệ nhưng mang nét đặc thù “rất Việt Nam”. Không ít chính sách tiền tệ ưu tiên, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng đã phát huy hiệu quả tích cực.
Những điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ
Từ năm 2011 đến nay, thành công nổi bật nhất của chính sách tiền tệ (CSTT) chính là chính sách lãi suất (LS). Bắt đầu từ năm 2011 cho đến nửa đầu năm 2012, CSTT điều hành theo hướng tập trung vào chính sách lãi suất, với việc tăng lãi suất và quay trở lại áp dụng trần lãi suất huy động với mục tiêu làm công cụ để kiểm soát và kiềm chế lạm phát. Nửa sau năm 2012, khi lạm phát tính theo năm có dấu hiệu chững lại và đi xuống thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần. Cho đến thời điểm hiện nay, khi mà dự báo lạm phát cho cả năm 2013 khoảng 7% thì NHNN cũng đã đưa được trần lãi suất huy động về mức 7%. Có thể nói đây là mức lãi suất hợp lý, phù hợp với các điều kiện vĩ mô và vi mô. Cùng với điều chỉnh lãi suất đối với VND, việc điều chỉnh lãi suất huy động bằng USD được thực hiện đồng bộ, gắn với các mục tiêu về chống đô-la hóa và quản lý ngoại hối. Thông qua đó, NHNN đã kết hợp hài hòa chính sách lãi suất với chính sách tỷ giá.
Chính sách lớn thứ hai mà NHNN làm được trong thời gian qua là chính sách tỷ giá hối đoái. Từ đầu năm 2011, sau khi tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng 9,3%, NHNN đã duy trì tỷ giá hối đoái khá ổn định và thậm chí là không thay đổi trong suốt cả năm 2012 và đến tận giữa năm 2013 mới có sự điều chỉnh tỷ giá ở mức 1%. Ðiều này đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được sức mua đối ngoại của đồng Việt Nam, trong bối cảnh sức mua đối nội cũng đã được khôi phục. Chính sự hỗ trợ tương tác giữa các chính sách lãi suất, tỷ giá với chính sách quản lý dự trữ ngoại hối và cùng với cam kết của NHNN sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định của giá trị đồng Việt Nam so với đồng USD và các ngoại tệ khác trong năm 2013 đã làm cho thị trường ngoại hối, cả thị trường chính thức và phi chính thức, hoạt động ổn định, tránh được các cú sốc.
Mục tiêu hàng đầu đặt ra cho năm 2013 thậm chí là cả năm 2014 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó trọng trách của NHNN là duy trì sự ổn định giá trị đồng tiền, cả giá trị đối nội lẫn đối ngoại. Chính sách tín dụng, kể cả mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng được NHNN quan tâm chỉ đạo. Vấn đề đặt ra là chính tăng trưởng tín dụng quá nóng với các điều kiện tín dụng được nới lỏng quá mức là những nguyên nhân trực tiếp gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao những năm 2007-2008 và năm 2010-2011. Tương tự như chính sách lãi suất, NHNN sử dụng chính sách tín dụng như một công cụ hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. Chính sách lãi suất tuân thủ nguyên tắc lãi suất thực dương đã phối hợp với chính sách tín dụng nhằm đưa mức tăng trưởng tín dụng về mức hợp lý, gắn việc tăng tổng tín dụng với việc tăng hiệu quả sử dụng vốn, bảo đảm an toàn hệ thống cũng như việc sử dụng vốn tín dụng hợp lý của bản thân các khách hàng. Vì vậy, liên tiếp trong năm 2011 và 2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng hằng năm đã giảm từ trên 30% xuống còn hơn 10%. Sang năm 2013, sau tám tháng, tín dụng cũng mới tăng gần 6%, trong khi mục tiêu đến cuối năm 2013 là tăng 12%. Mục tiêu 12% có thể không đạt được, nhưng thay vì tăng số lượng, quy mô, tín dụng sẽ hướng vào chất lượng, hiệu quả, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống.
Trong điều hành tín dụng ngay từ cuối năm 2011, NHNN đã chủ động trong việc đối thoại với các địa phương, với các bộ, ban, ngành, với các doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến tín dụng ngân hàng. Một mặt, NHNN kiên trì chủ trương hạn chế và thu hẹp bớt nguồn tín dụng dành cho các thị trường “nóng”, chứa đựng nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, bất động sản,… mặt khác, hướng dòng vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao do lạm phát và lãi suất huy động đều cao, thì NHNN đã có các chính sách tích cực như chính sách ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về nguồn vốn tín dụng và trong một chừng mực nhất định có sự ưu đãi về điều kiện tín dụng cho các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, hỗ trợ.
Ðiểm tiếp theo mà NHNN đã làm được liên quan đến tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Có thể nói, NHNN là cơ quan đầu tiên khởi động chương trình tái cơ cấu ngay từ cuối năm 2011 với trường hợp của SCB. Từ đó đến nay, NHNN đã cơ bản xử lý xong tái cơ cấu cho chín Ngân hàng thương mại (NHTM) thuộc đối tượng trong danh sách phải tái cơ cấu. Nếu so sánh với tiến trình tái cơ cấu đầu tư công hay tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì tái cơ cấu các NHTM do NHNN chủ trì đã diễn ra nhanh hơn, đạt được nhiều kết quả rõ ràng và cụ thể hơn hẳn. Tuy quá trình đó vẫn còn một số vướng mắc, phức tạp, nhưng dù sao cũng đã đi đúng hướng và gắn bó chặt chẽ với chương trình xử lý nợ xấu. Quy mô nợ xấu đã giảm mạnh từ mức 8 đến 10% tổng dư nợ tín dụng trong năm 2012 xuống còn dưới 5% trong báo cáo gần đây nhất, chứng tỏ NHNN đã tiến một bước rất dài trong vấn đề xử lý nợ xấu. Mặc dù Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cũng chỉ mới vừa thành lập nhưng NHNN đã triển khai nhiều biện pháp khuyến khích, thậm chí thúc ép các NHTM tự xử lý nợ xấu, theo đó, đến nay các NHTM đã tự xử lý được hơn 85 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Chắc chắn khi các biện pháp xử lý nợ xấu khác, chẳng hạn như hoạt động của VAMC được thực hiện thì tiến trình xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh, mạnh và hiệu quả hơn.
NHNN đã góp sức đáng kể trong thành tích về xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ điều kiện tín dụng cũng như ổn định tỷ giá hối đoái. Việc điều chỉnh lãi suất bám sát biến động của lạm phát, vừa bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương, bảo đảm tổng vốn huy động tiếp tục tăng, vừa điều chỉnh hành vi của các đối tượng có liên quan đến hệ thống ngân hàng, kể cả từ phía người gửi cũng như khách hàng đi vay. Ðiều này thể hiện sự thay đổi khá lớn trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Xét về tổng thể, uy tín của hệ thống ngân hàng ngày càng được nâng cao. Những cam kết, tuyên bố từ những người đứng đầu, người có trách nhiệm NHNN ngày càng được xã hội quan tâm, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của xã hội.
Linh hoạt là linh hồn của chính sách tiền tệ
Thực ra vấn đề này cũng đã được nêu rõ trong Luật NHNN, trong đó có ba điểm cần quan tâm, nhiệm vụ thứ nhất là, bảo đảm giá trị của đồng Việt Nam, tức là gắn với vấn đề lạm phát, tỷ giá hối đoái, thứ hai là, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thứ ba là bảo đảm an toàn hệ thống. Rõ ràng các nhiệm vụ này đều thuộc chức năng của NHNN nên không có sự mâu thuẫn ở đây. Tuy nhiên, trong các mục tiêu của NHNN thì phải xác định rõ mục tiêu ưu tiên, mục tiêu xuyên suốt hay mục tiêu chiến lược. Mục tiêu lớn nhất vẫn là ổn định giá trị đồng tiền và thông qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Do đó, tất cả chính sách tiền tệ, tín dụng mà NHNN đã hoạch định và bản thân các NHTM khi thực thi đều phải tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu liên quan đến vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Trên nền tảng của ổn định và kiềm chế lạm phát thông thường có những cái giá phải trả liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, các khách hàng của ngân hàng, chẳng hạn chính sách tiền tệ thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô có thể phải trả giá bằng giải thể hay phá sản của một bộ phận doanh nghiệp, nên trong một chừng mực nhất định, tính linh hoạt của chính sách tiền tệ thể hiện ở kiên định thắt chặt để thực hiện mục tiêu chính của mình nhưng vẫn linh hoạt trong quyết định mức độ, liều lượng và thời điểm, thời hạn thắt chặt. Ở Việt Nam có một đặc điểm rất hay là bên cạnh chính sách thắt chặt hay nới lỏng chung lại có một số ngoại lệ, thậm chí biệt lệ cho một số khu vực cần ưu tiên, ưu đãi. Hơn nữa, những trường hợp ngoại lệ này không chỉ có trong chính sách của NHNN, mà còn có trong chính sách của mỗi NHTM, không phân biệt NHTM nhà nước hay NHTM cổ phần. Ðây là đặc điểm thể hiện tính linh hoạt chung của chính sách tiền tệ nhưng mang nét đặc thù “rất Việt Nam”. Không ít chính sách tiền tệ, tín dụng ưu tiên, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng đã phát huy hiệu quả tích cực. Rõ ràng trong thời gian vừa qua, tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã có bước tiến đáng kể.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()