Linh hoạt thu hút khách du lịch nội địa khi chi phí vận chuyển hàng không tăng
Để kích cầu du lịch thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội đang linh hoạt thực hiện các giải pháp thu hút khách, đảm bảo mức tăng trưởng lượng khách, giữ ổn định thị trường.
Ngành Du lịch chuẩn bị bước vào cao điểm dịp lễ 30/4-1/5 và Hè, song thời điểm này chi phí vận chuyển hàng không nội địa tăng cao, ảnh hưởng lớn đến giá tour và khả năng thu hút khách các tuyến xa, nhất là một trọng điểm du lịch như Hà Nội.
Để kích cầu du lịch thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội đang linh hoạt thực hiện các giải pháp thu hút khách, đảm bảo mức tăng trưởng lượng khách, giữ ổn định thị trường.
Thích ứng linh hoạt
Khảo sát tại các hãng hàng không cho thấy, các tuyến bay nội địa dịp cuối tháng 4 vé máy bay có mức tăng cao ở các tuyến so với trước đó. Ví dụ, vé máy bay ngày 28/4 của Vietnam Airline chặng Hà Nội-Phú Quốc một chiều hạng phổ thông, giá vé dao động gần 4,2 triệu đồng đến gần 5,4 triệu đồng/vé; chặng Hà Nội-Nha Trang một chiều hạng phổ thông, dao động từ hơn 3,2 triệu đồng đến hơn 3,7 triệu đồng/vé.
Vé máy bay Vietnam Airline từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội một chiều hạng phổ thông ngày 28/4 từ hơn 1,7 triệu đồng đến gần 3,6 triệu đồng/vé.
Tương tự, vé máy bay Vietjet chặng Hà Nội-Phú Quốc một chiều hạng từ Eco đến SkyBoss ngày 28/4 dao động từ 1,79 triệu đồng đến 4,49 triệu đồng/vé; chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/4 dao động từ 1,01 triệu đồng đến 4,09 triệu đồng/vé; chặng từ Cần Thơ ra Hà Nội một chiều từ hạng Eco đến SkyBoss ngày 27/4 từ 890 nghìn đồng đến 4,49 triệu đồng/vé.
Giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn tới giá thành tour, bởi nó chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành tour. Trong khi đó, giá vé máy bay và giá tour nước ngoài vẫn ổn định.
Thực tế cho thấy, nhiều tour du lịch nước ngoài có chi phí thấp hơn tour trong nước, hoặc chỉ nhỉnh hơn giá tour trong nước một chút.
Đơn cử như tour từ Hà Nội đi Phú Quốc (4 ngày 3 đêm) giá từ 8,79 triệu đồng đến 9,49 triệu đồng; Hà Nội-Nha Trang-Đà Lạt (5 ngày 4 đêm) giá 9,69 triệu đồng; Nha Trang-Ninh Thuận (4 ngày 3 đêm) giá 7,99 triệu đồng đến 8,99 triệu đồng... Trong khi đó, giá tour từ Hà Nội đi Hàn Quốc (5 ngày 4 đêm) giá chỉ 13 triệu đồng; Thái Lan (5 ngày 4 đêm) giá 8,99 triệu đồng, Trung Quốc (4 ngày 3 đêm) giá 10 triệu, Đài Loan (Trung Quốc, 5 ngày 4 đêm) giá 11 triệu đồng.
Bởi vậy, hệ quả xảy ra là các tuyến du lịch nội địa vận chuyển bằng đường hàng không khó thu hút được du khách. Thay vào đó, nhiều khách lựa chọn tour du lịch nước ngoài, vừa có trải nghiệm mới, chi phí chỉ ngang bằng tour trong nước. Thậm chí nhiều tour du lịch Trung Quốc vận chuyển bằng đường bộ có giá rất thấp. Chỉ hơn 3,5 triệu đồng, khách có thể đặt tour tham quan Trung Quốc bằng đường bộ.
Lý giải tình trạng trên, các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, do các tàu bay tuyến nội địa bị giảm nên đã ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển trong nước và giá vé máy bay tăng. Nhưng một mặt, các hãng trong nước vẫn phải cạnh tranh với hãng hàng không quốc tế nên giá vé máy bay nước ngoài vẫn phải duy trì ổn định. Đây là tình huống đến từ phía nhà cung cấp vận chuyển hàng không, nên ngành Du lịch, mà trực tiếp là các doanh nghiệp lữ hành phải chủ động điều tiết luồng khách.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, nhu cầu đi du lịch của người dân vẫn cao và thực tế lượng khách nội địa vẫn đông. Tuy nhiên, trước sự tăng cao giá tour nội địa tuyến xa vận chuyển bằng đường hàng không thì du khách cũng tự điều chỉnh việc đặt tour để phù hợp với khả năng tài chính. Các doanh nghiệp có thể đưa ra dự báo tốt và điều tiết luồng khách bằng chiến lược dài hạn, chuyển hướng luồng khách để phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi, vấn đề thích ứng với từng giai đoạn, hoàn cảnh là rất quan trọng.
Điều tiết luồng khách
Khó khăn nào cũng sẽ nảy sinh cơ hội. Trong khi lượng khách du lịch tuyến xa giảm thì sẽ trở thành cơ hội để các điểm đến, trong đó có Hà Nội thu hút khách nội vùng đến từ các tỉnh, thành lân cận hoặc thực hiện các giải pháp thu hút đối tượng khách khác nhau. Vấn đề phụ thuộc vào việc định hướng, điều tiết luồng khách của các doanh nghiệp và của ngành Du lịch nói chung.
Điển hình như Công ty Cổ phần Flamingo Redtours vẫn vượt kế hoạch đón khách du lịch nội địa trong giai đoạn này. Khách du lịch thuần túy không nhiều nhưng đối tượng khách Flamingo Redtours hướng đến là khách du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Một mặt, doanh nghiệp này tận dụng lợi thế của ba resort Đại Lải, Cát Bà, sắp tới là Hải Tiến của tập đoàn Flamingo nên thúc đẩy thu hút lượng khách nội vùng nghỉ dưỡng tại đây.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Flamingo Redtours, thời điểm này, ngành Du lịch cần thay đổi thị phần khách. Trước đây, Hà Nội tập trung vào thị trường khách miền Trung, miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long; giờ đây có thể thu hút khách nội vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông-Tây Bắc. Nếu trước kia thu hút khách du lịch bằng tour giá rẻ thì thời điểm này có thể thu hút khách bằng chất lượng tour, tạo sản phẩm mới lạ, khác biệt, sản phẩm cao cấp để có thể vẫn đón được lượng khách có điều kiện tài chính. Một mặt, Hà Nội cần kết hợp với các địa phương để xây dựng và làm mới các sản phẩm tour liên vùng.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, các doanh nghiệp thay vì đón khách tour vận chuyển bằng máy bay, có thể tổ chức tour tham quan vận chuyển bằng tàu hỏa tới các tỉnh miền Trung, vừa giảm giá thành tour, vừa tăng trải nghiệm cho khách. Bởi thực tế, dịch vụ đường sắt đang ngày càng cải thiện tích cực, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Trên góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, giá vé máy bay tăng cao là một trong các nhân tố ảnh hưởng đến lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội, nhất là du khách các tỉnh miền Trung, miền Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho ngành Du lịch Thủ đô khi một lượng lớn du khách Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ ưu tiên chọn lựa các điểm đến du lịch gần trong các dịp nghỉ lễ, trong đó có Hà Nội.
Sở Du lịch dự kiến trong quý 2, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kích cầu du lịch, cùng xu hướng du lịch ngắn ngày, du lịch tại các địa điểm gần của khách du lịch hiện nay, lượng khách nội địa đến Hà Nội sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như trong quý 1.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, để kích cầu du lịch nội địa hiệu quả, ngành Du lịch Hà Nội tập trung ưu tiên liên kết, hợp tác du lịch. Giai đoạn hiện nay cần có sự chung tay, hợp tác, liên kết chặt chẽ của các bên gồm: Nhà quản lý, điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển (máy bay, ôtô, tàu hỏa), doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí... và các đơn vị phụ trợ khác.
Với mối liên kết chặt chẽ, ngành Du lịch mới tạo ra được chuỗi các sản phẩm, tour du lịch kích cầu, có giá thành sản phẩm liên kết hợp lý, phù hợp với khả năng chi tiêu của du khách qua đó mới khai thác hiệu quả nhu cầu đa dạng du lịch của du khách hiện nay.
Sở Du lịch Hà Nội nhận định công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch là then chốt. Việc làm này đang được đổi mới, bên cạnh việc truyền thông theo hướng truyền thống, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục tăng cường truyền thông trên các nền tảng số (như Facebook, Tiktok, Youtube...). Đồng thời, ngành xây dựng các chiến lược truyền thông mới đáp ứng đúng các nhu cầu, kích thích sự tò mò của du khách, đặc biệt là du khách trẻ, những người ưa thích sự độc đáo, sáng tạo. Ngoài ra, ngành phải tận dụng, khai thác hiệu quả các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch để đẩy mạnh kích cầu du lịch.
Hiện, Sở tích cực chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng các chương trình, ra mắt các sản phẩm du lịch liên kết hấp dẫn tại các sự kiện du lịch lớn như: Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024...
Với sự thích ứng linh hoạt trước thực tế giá vé máy bay tăng, giá tour trong nước tăng, ngành Du lịch kỳ vọng vẫn đón được lượng khách nội địa lớn thời gian tới, đặc biệt là cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa Hè, đảm bảo mức tăng trưởng lượng khách như mục tiêu đặt ra./.
Ý kiến ()