Linh hoạt sử dụng lao động tại các khu công nghiệp
Những ngày gần đây, số công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp thuộc các tỉnh phía nam sông Hồng dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 tăng cao, có nơi lên đến 10 nghìn ca/ngày, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Thực trạng này đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt sắp xếp, sử dụng lao động hợp lý, chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, để bảo đảm sản xuất hiệu quả trong tình trạng thiếu hụt công nhân.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, hiện có hơn 12 nghìn lao động trong 63 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiễm Covid-19. Nhiều doanh nghiệp có số ca nhiễm chiếm hơn 60% tổng số lao động như Công ty Minh Trí, Công ty Environ, Công ty Ha Hae…
Thích ứng khi F0 tăng đột biến
Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình có 10 nhà máy với tổng số 18.000 lao động; trong đó, có khoảng hơn 3.000 công nhân, người lao động thay phiên nhau nghỉ việc vì mắc Covid-19, khiến nhiều đơn hàng của đơn vị đã ký kết hợp đồng với đối tác từ năm 2021, có nguy cơ khó hoàn thành đúng tiến độ, đúng thời gian giao hàng. Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, công ty đã chủ động xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, ý kiến công nhân để tổ chức cho người lao động làm thêm giờ, có trả lương.
Tương tự, ngay từ đầu năm 2022, Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh thuộc Cụm công nghiệp Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản sang Đông Âu. Chưa kịp mừng thì doanh nghiệp này “đau đầu” vì có nhiều công nhân bị nhiễm Covid-19, buộc phải đóng cửa sản xuất.
Công ty Giày Athena, ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) sử dụng hơn 7.000 lao động, trong đó có một nửa số lao động là F0, F1. Đại diện Công đoàn Công ty Giày Athena chia sẻ: “Có phân xưởng chỉ còn vài người làm việc. Trước mắt, lãnh đạo công ty cố gắng duy trì sản xuất, bảo đảm trả lương cho người lao động trong thời gian tạm nghỉ việc”. Theo Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, đến cuối tháng 2 vừa qua, các khu công nghiệp ở Ninh Bình có gần 4.600 lao động là F0 và hơn 500 lao động là F1 đang nghỉ việc.
Tại tỉnh Nam Định, khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận khoảng 3.500 ca đến 4.000 ca mới mắc Covid-19. Trong đó, số lao động thuộc các khu, cụm công nghiệp phải nghỉ việc để cách ly, điều trị Covid-19 lên tới 10.000 người.
Ông Đỗ Tuấn Nam, Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH Young One ở Nam Định cho biết: “Công ty có gần 4.000 lao động mắc Covid-19, ảnh hưởng lớn đến năng suất, gây thiệt hại ước tính 1,5 triệu USD. Hiện tại, công ty thiếu hụt hơn 200 công nhân. Đơn vị dự kiến khuyến khích các trường hợp F0 không có triệu chứng tiếp tục làm việc ở khu vực riêng, đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Tuy nhiên, quy định về quản lý, cách ly F0 phải được các ngành chức năng ở Trung ương, của tỉnh điều chỉnh linh hoạt hơn, mới tạo điều kiện để công nhân F0 đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và không có triệu chứng có thể quay lại làm việc.
Số người lao động bị nhiễm Covid-19 ở các khu, cụm công nghiệp phía nam đồng bằng sông Hồng vẫn đang tăng từng ngày. Nhưng theo các chuyên gia y tế đánh giá, hầu hết công nhân, người lao động ở đây đã được tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng dịch, cho nên họ vẫn yên tâm sản xuất, không hoang mang, lo lắng như trước.
Mặt khác, việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, kết hợp xét nghiệm nhanh Covid-19 định kỳ hằng tuần để có nguồn nhân lực đủ điều kiện về sức khỏe an toàn, phục vụ thay đổi phương án sản xuất, tạo cho nhiều doanh nghiệp trong vùng khôi phục sản xuất nhanh chóng.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Tỉnh hiện có bốn khu công nghiệp với tổng số 158 doanh nghiệp sử dụng 47.000 lao động làm các ngành nghề dệt may, da giày, chế biến lâm sản. Năm 2021, các khu công nghiệp của Nam Định tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đạt 25.000 tỷ đồng, doanh thu đạt 30.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 900 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 450 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/lao động/tháng. Tỉnh Ninh Bình có chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) trong tháng 1/2022 tăng 0,91% so với cùng kỳ (trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,25% so với cùng kỳ). Các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, giá trị sản xuất công nghiệp cũng liên tục tăng cao. Tuy nhiên việc giải quyết “bài toán” thiếu hụt lao động trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều trăn trở, nhất là các doanh nghiệp sử dụng tới hàng nghìn lao động, phải tổ chức định kỳ xét nghiệm Covid-19, gây tốn kém về tài chính của doanh nghiệp và nhiều vấn đề khác.
Khắc phục thiếu hụt lao động
Qua ba phiên giao dịch việc làm bằng hình thức trực tuyến tổ chức gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình tư vấn, giới thiệu 430 lao động cho doanh nghiệp. Hiện nay, trung tâm duy trì nhiều kênh thông tin như: Tư vấn qua sàn giao dịch việc làm; tư vấn và dự báo thị trường lao động qua online, trên trang Facebook; tổ chức dạy nghề nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động trước khi cung cấp cho các doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực chính được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình ưu tiên tiếp cận giới thiệu việc làm là bộ đội, công an xuất ngũ về địa phương, dự kiến có khoảng 2.000 người.
Hiện có khoảng 82% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở tỉnh Hà Nam bị thiếu lao động. Để đồng hành giải quyết “bài toán” thiếu hụt lao động do công nhân, người lao động là F0, F1 phải cách ly; hoặc do khó tuyển dụng, các doanh nghiệp ở tỉnh Hà Nam có nhiều cách làm sáng tạo. Điển hình là Công ty Casablanca Việt Nam ở Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) quan tâm chất lượng bữa ăn ca nâng cao sức khỏe người lao động; thường xuyên tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho công nhân vào ngày đầu tuần và cuối tuần để chủ động kiểm soát dịch bệnh.
Ông Nguyễn Viết Thạo, Giám đốc Công ty Casablanca Việt Nam, cho biết: “Đơn vị mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại nâng cao năng suất lao động mới đẩy nhanh được tiến độ sản xuất, giao hàng cho đối tác”.
Ban Quản lý các khu công nghiệp ở tỉnh Nam Định cũng tích cực tham mưu cho tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp; phối hợp với ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động trong nước, hỗ trợ giải quyết thủ tục nhập cảnh với lao động là người nước ngoài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết: ‘‘Tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Chú trọng cung cấp thông tin về thị trường lao động; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm trong tỉnh để thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối lao động với doanh nghiệp; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng bổ sung nguồn lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”.
Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam phía nam sông Hồng tập trung khá nhiều các khu, cụm công nghiệp. Để bảo đảm an toàn cho người lao động và các hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, đứt gãy, ngành y tế các địa phương nêu trên cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn các quy định mới của Bộ Y tế về quản lý, điều trị công nhân, người lao động là F0.
Khi có ca mắc mới, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm việc phong tỏa theo quy mô dịch phát sinh từ cơ sở sản xuất; chú trọng vệ sinh môi trường, khử khuẩn; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động là F0, F1 tham gia sản xuất tại khu vực phong tỏa, hoặc bố trí khu vực làm việc riêng biệt, mới giải quyết thấu đáo tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay.
Ý kiến ()