Linh hoạt điều chỉnh chương trình dạy học học kỳ II
(LSO) – Để đảm bảo kiến thức các môn học, thực hiện hướng dẫn điều chỉnh chương trình học kỳ II năm học 2019 – 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, yêu cầu các trường linh hoạt, chủ động thực hiện đảm bảo kế hoạch năm học.
Ngày 30/3/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 1113 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 – 2020 theo hướng giảm tải nội dung nhưng vẫn đảm bảo kiến thức cốt lõi, kỹ năng cơ bản. Cụ thể, đối với bậc THCS, THPT, các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, các cơ sở giáo dục trung học căn cứ vào nội dung công văn để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù môn học. Đối với các môn học Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, các cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, đồng thời, khuyến khích học sinh tự học các phần kiến thức tinh giản.
Học sinh Trường THPT Tràng Định thực hiện nghiêm chỉnh quy định đeo khẩu trang khi đến trường học
Sau khi có công văn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường tiến hành xây dựng lại kế hoạch, phân phối chương trình điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Cụ thể, không thực hiện tinh giản cơ học mà đảm bảo cung cấp đủ kiến thức nền tảng, cơ bản, cốt lõi để học sinh có đủ năng lực tiếp tục học tập ở các lớp sau, cấp học sau. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy các môn học bắt buộc theo chương trình và tổ chức dạy các môn tự chọn một cách phù hợp; tăng cường các hình thức dạy học từ xa như dạy học qua Internet và trên truyền hình.
Đến nay tại nhiều trường từ cấp THCS đến THPT trên địa bàn tỉnh đều đang thực hiện điều chỉnh, tinh giản chương trình học kỳ II. Thầy Tô Ngọc Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để đáp ứng tiêu chí giãn cách, nhà trường đang thực hiện chia số lượng học sinh với một nửa học các môn chính khóa buổi sáng và một nửa học buổi chiều. Cùng đó, các môn học đều giảm tải nội dung không cần thiết, nội dung thực hành, giúp giáo viên và học sinh bớt áp lực thực hiện chương trình; đồng thời, tạo thuận lợi cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp tập trung thời gian ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Đối với chương trình tiểu học, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có 9 môn được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Thủ công/Kỹ thuật, Thể dục. Các nội dung được tinh giản nhưng không bỏ hẳn mà yêu cầu học sinh tự học ở nhà với sự hướng dẫn của giáo viên và sự hỗ trợ của phụ huynh. Cô Nguyễn Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Đối với việc giảm tải nội dung dạy học nhà trường chú trọng nguyên tắc: số lượng tuần học được giảm trong học kì II theo từng môn, không nhất thiết phải giống nhau, do số lượng kiến thức ở các môn khác nhau, thay vào đó là lồng ghép các bài sao cho hợp lý. Theo đó, những nội dung nào có mức độ yêu cầu mang tính nâng cao sẽ được giảm bớt để đảm bảo thời gian học tập cho học sinh.
Trong quá trình học sinh phải nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn giảm tải chương trình của Bộ GD&ĐT đã định hướng cho các nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học. Theo lịch giảm tải, thời gian học được rút ngắn từ 5 đến 7 tuần, trong đó, tùy theo mỗi môn học, cấp học khác nhau có thể giảm tải các nội dung liên quan đến trải nghiệm, thực hành thí nghiệm, dự án, nhưng nguyên tắc chung là giảm các nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn, giữ phần cốt lõi của mỗi môn học, đảm bảo yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()