Lính đảo Trường Sa đón giao thừa
Chiến sĩ đảo chìm Đá Thị chuẩn bị đón Tết. Cuối năm ngoái, trước khi lên tàu HQ - 996 cùng Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 4, Quân chủng Hải quân vượt sóng to, gió lớn mang hàng hóa, nhu yếu phẩm, quà Tết đến với quân và dân trên các điểm đảo, xã đảo khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa, tôi được Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, kể cho nghe chuyện lính đảo Trường Sa đón giao thừa thật cảm động...Cuối năm 1990, anh Thuân cùng đoàn cán bộ đơn vị đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu ở quần đảo Trường Sa và đón Tết cùng cán bộ, chiến sĩ đảo chìm Cô Lin. Ngày ấy, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội Trường Sa còn rất "nghèo". Cán bộ, chiến sĩ các đảo chìm chủ yếu ở nhà "cao cẳng", móng nhà bằng các cọc bê-tông, sàn nhà được ghép bằng tấm ghi nhôm, nhà bằng khung gỗ, lợp tôn. Đón xuân mới, cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin chọn phòng giao ban trang trí đón giao thừa; tìm chỗ trang...
Chiến sĩ đảo chìm Đá Thị chuẩn bị đón Tết. |
Cuối năm 1990, anh Thuân cùng đoàn cán bộ đơn vị đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu ở quần đảo Trường Sa và đón Tết cùng cán bộ, chiến sĩ đảo chìm Cô Lin. Ngày ấy, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội Trường Sa còn rất “nghèo”. Cán bộ, chiến sĩ các đảo chìm chủ yếu ở nhà “cao cẳng”, móng nhà bằng các cọc bê-tông, sàn nhà được ghép bằng tấm ghi nhôm, nhà bằng khung gỗ, lợp tôn. Đón xuân mới, cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin chọn phòng giao ban trang trí đón giao thừa; tìm chỗ trang trọng nhất để làm bàn thờ và treo ảnh Bác Hồ… Để có nải chuối thờ ngày Tết, bộ đội đã sáng tạo lấy xốp trắng cắt nải chuối, rồi sơn mầu vàng làm thành nải chuối chín; lấy vỏ ốc biển và tận dụng giấy bảo quản mầu vàng dán vào làm hoa mai, rồi gắn lên cành phi lao tạo thành cành hoa mai vàng trông ngộ nghĩnh và đẹp mắt.
Ở đảo lúc đó chưa có vô tuyến, duy nhất chỉ có chiếc ra-đi-ô, nhưng sóng lại rất chập chờn, tiếng lúc to, lúc nhỏ. Đến giao thừa-thời khắc thiêng liêng của đất trời chuyển giao năm cũ và năm mới, với tâm thế hướng về “đất mẹ”, cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngồi quây quần quanh chiếc ra-đi-ô, ai cũng muốn mình ngồi gần hơn để nghe thật rõ lời Chủ tịch nước từ Hà Nội chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước qua làn sóng phát thanh. Tiếp đến là đại diện lãnh đạo, chỉ huy đảo chúc Tết cán bộ, chiến sĩ. Rồi sau đó đơn vị tổ chức hái hoa dân chủ và nghe các “ca sĩ”, “nhà thơ” “cây nhà, lá vườn” hát, đọc thơ, kể chuyện về biển, đảo. Số anh em còn lại được chia thành các tổ thi vẽ về đề tài: Bác Hồ với Bộ đội Hải quân và về chủ quyền biển, đảo… Ấn tượng và vui nhất là phần thi sáng tạo vẽ cột mốc chủ quyền biên giới biển, đảo. Vì ngày ấy, cột mốc chủ quyền ở các đảo vẫn do các đảo tự thiết kế, xây dựng, chưa có mẫu thống nhất, nên anh em chỉ tưởng tượng ra rồi vẽ. Có người vẽ một hình trụ, có người vẽ hình thang, hoặc có người hình tam giác rồi ghi lên đó nội dung: “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Đảo Cô Lin”. Do vậy, mỗi lần các “họa sĩ” lên trình làng bản vẽ, là tiếng vỗ tay lính đảo lại nổ giòn như “pháo rang”. Mặc dù vẽ trên giấy, nét bút phác họa không chuyên và chưa thật đẹp, nhưng thể hiện ước muốn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa nói riêng, quân và dân cả nước nói chung với mong muốn là xây dựng cột mốc chủ quyền trên các đảo thật chính quy… Đón giao thừa của lính đảo Trường Sa ở giữa trùng khơi, bên sóng biển ầm ào, tuy mộc mạc, giản dị, nhưng đầy ý nghĩa và nồng ấm nghĩa tình đồng đội.
Ngày nay, khi chúng tôi lên tàu vượt sóng gió đại dương ra công tác tại các đảo nổi Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… ai nấy đều ngỡ ngàng bởi cơ sở hạ tầng các đảo được quy hoạch xây dựng cơ bản, nhà cao tầng, nơi ăn ở, làm việc khang trang; đường đi lối lại được bê-tông hóa, hai bên đường là hàng cây phong ba, cây tra, bàng vuông xanh tốt. Ở các đảo chìm Đá Thị, Đá Nam, nhà “cao cẳng” trước đây bây giờ được thay thế bằng nhà bê-tông cao tầng kiên cố. Đặc biệt, cột mốc chủ quyền ở các đảo được thiết kế xây dựng theo mẫu thống nhất, trông hoành tráng và uy nghiêm. Ra Trường Sa công tác, lần đầu được đứng bên cột mốc chủ quyền, tôi cũng như nhiều người bỗng trào dâng niềm cảm xúc tự hào, kiêu hãnh về chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc có từ hàng nghìn năm lịch sử…
Trong câu chuyện với Phó đảo trưởng, Tham mưu trưởng đảo Sinh Tồn Đông, Thiếu tá Nguyễn Đức Du, được biết: Những năm trước đây, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc của đơn vị còn nhiều khó khăn. Có lá thư cán bộ, chiến sĩ trên đảo viết gửi đi, mấy tháng sau mới thấy hồi âm. Cả đảo chỉ có một vô tuyến và đầu thu vệ tinh, nếu không may bị hỏng, anh em trên đảo đành phải chờ đợi hàng tháng trời, đến khi có tàu ra mới được sửa chữa, thay thế… Hiện nay, đảo Sinh Tồn Đông và trên các điểm đảo, xã đảo đều được sử dụng điện năng lượng sạch 24/24 giờ trong ngày, có sóng điện thoại, mạng in-tơ-nét…; tất cả các phân đội, bộ phận đều có vô tuyến, đài-ra-đi-ô… cho nên Tết này hoạt động văn hóa, tinh thần của bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa sẽ sôi động hơn rất nhiều. Không giấu nổi niềm vui, Trung úy chuyên nghiệp Lê Hữu Luận, Khẩu đội trưởng súng máy cao xạ 12,7 ly đảo chìm Đá Thị, thổ lộ: Tết đến, xuân về ai mà chẳng nhớ gia đình, người thân, nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo để đất nước đón mùa xuân mới bình yên, nên em cũng như cán bộ, chiến sĩ trên đảo ai nấy đều phấn khởi, tự hào… Nhất là, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và các địa phương, đơn vị, nên đón Tết ở đảo cũng đầy đủ các món bánh chưng xanh, thịt gà, giò nạc, đa nem…; và vui nhất là lúc đón giao thừa, được trực tiếp nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua sóng truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam; được xem và nghe các chương trình thời sự, văn hóa, thể thao… chào đón năm mới trên vô tuyến, ra-đi-ô… chẳng khác gì các đơn vị trong đất liền, nên em cũng như cán bộ, chiến sĩ trên đảo ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.
Dẫu biết rằng, ở giữa trùng khơi, quân và dân nơi đảo xa vẫn còn bao gian khó, nhưng với tình cảm dạt dào tình yêu thương của cả nước dành cho Trường Sa, nhất là dịp Tết đến, xuân về, góp phần động viên quân và dân nơi “đầu sóng” ngày đêm bám trụ, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()