Liều vaccine thiết thực giúp người dân vơi nỗi lo, thêm nụ cười và niềm tin chiến thắng
Cán bộ Quận 11, TPHCM đến tận nhà trao tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh SGGP |
Đợt dịch COVID-19 thứ 4 do biến chủng Delta gây ra khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người không có việc làm, thu nhập hoặc thu nhập giảm sút. Những ngày thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở đó”, các thành viên trong gia đình phải ở nhà, kéo theo các chi phí thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình như điện, nước, cước viễn thông cũng tăng nhiều hơn trước.
Thấu hiểu, đồng cảm với người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các văn bản đề nghị doanh nghiệp xem xét giảm ngay giá nước sạch sinh hoạt, giá điện, giá cước viễn thông để chia sẻ khó khăn cùng với các khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đồng hành cùng Chính phủ, chia sẻ với người dân, ngay sau đó, các doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng.
Ngày 2/8, gói hỗ trợ tiền điện chính thức có hiệu lực. Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ước tính, tổng số tiền giảm khoảng 2.500 tỉ đồng, dành trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội với các mức giảm từ 10 đến 15%. Các cơ sở cách ly y tế được giảm 100% (áp dụng trong tháng 8 và tháng 9). Theo tính toán của EVN, cả nước có khoảng 20 triệu hộ gia đình dùng dưới 200 KWh/tháng. Việc giảm 15% tiền điện đối với khách hàng dùng đến 200 KWh có sức lan tỏa đến rất nhiều hộ gia đình trên cả nước. Đây là lần thứ 4 EVN thực hiện giảm giá điện, tính chung 4 đợt, tổng số tiền hỗ trợ của EVN với các khách hàng đạt hơn 16.300 tỷ đồng.
Cùng ngày 2/8, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỉ đồng, triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng.
Thời điểm này hàng triệu cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên… đang làm việc từ xa, cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới. Việc các nhà mạng tăng băng thông, giảm giá cước giúp người lao động xử lý công việc được thuận lợi hơn; đồng thời khắc phục tốt tình trạng nghẽn mạng khi hàng triệu giáo viên, học sinh sẽ truy cập trong cùng thời điểm.
Các quyết định nêu trên của Chính phủ là rất kịp thời, giúp người dân được nhẹ đi một phần gánh nặng cơm áo gạo tiền, như lời chia sẻ của một độc giả gửi tới Báo điện tử Chính phủ: Tôi không biết sẽ giảm như thế nào và được bao nhiêu, nhưng khi nghe tin được giảm thì rất vui. Dù ít hay nhiều thì cũng đỡ đi một phần chi phí hằng tháng.
Không chỉ có chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền nước sinh hoạt, giảm giá cước viễn thông, trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Hiện các cơ quan chức năng cũng đang chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành nhiều chính sách liên quan đến thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian tới, theo dự tính của Bộ Tài chính việc thực thi các chính sách này có thể giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 20.000 tỷ đồng.
Giúp dân bớt nỗi lo, thêm nụ cười, vơi gian khổ, củng cố niềm tin để cùng chung sức vượt qua khó khăn, thách thức; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, được hưởng lợi thật; đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; không để ai bị bỏ lại phía sau,… là chủ trương nhất quán của Chính phủ. Các bộ ngành, địa phương rốt ráo, quyết liệt triển khai thực hiện.
Với những giải pháp nhanh chóng, linh hoạt, minh bạch, chính xác, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và toàn thể nhân dân, chúng ta tin tưởng các giải pháp hỗ trợ thiết thực, sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu của Chính phủ đối với người dân sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao nhất, thực sự là liều vaccine giúp người dân tăng sức đề kháng, chung sức, đồng lòng cùng cả nước quyết tâm chiến thắng đại dịch./.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()