Liệu thị trường dầu thô có đi đúng hướng với dự báo của các tổ chức năng lượng?
Hiện nay, khi giá dầu đã vượt qua vùng đỉnh năm ngoái, vấn đề lớn nhất mà cả thị trường năng lượng nói riêng và thị trường tài chính nói chung quan tâm là triển vọng giá trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng hay dần dần hạ nhiệt. Do đó, dự báo của những tổ chức năng lượng lớn trên thế giới là thông tin tham khảo rất quan trọng và có sức nặng đối với thị trường.
Nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ sớm đạt mức đỉnh mọi thời đại
Mặc dù ngày 18/1, giá dầu đã vượt mức đỉnh trong vòng 7 năm, tuy vậy đà tăng của giá dầu dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đóng cửa ngày 19/1, giá dầu WTI tăng 1,1% lên mức 85,8 đạt USD/tấn, giá dầu Brent tăng 1% lên mức 88,4 USD/tấn, ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong tuần. Theo đó, chỉ số MXV-Index Năng lượng (chỉ số thể hiện sự biến động của các mặt hàng năng lượng đang giao dịch liên thông với MXV) đạt 3.786 điểm với mức tăng 10,8% chỉ trong 2 tuần giao dịch đầu năm.
Mới đây, tâm lý thị trường liên tục dậy sóng với những nghi ngờ về việc biến thể Omicron sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu, kết hợp với sản lượng tăng dần từ phía Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC sẽ khiến cho tồn kho dầu trên thế giới tăng lên. Tuy nhiên, tiêu thụ dầu thực tế liên tục tăng trong những tuần gần đây là minh chứng rõ ràng rằng, nhu cầu dầu của thế giới không dễ suy yếu như vậy.
Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) là tổ chức đầu tiên trong tháng phát hành báo cáo thị trường vào ngày 11/1, gần 2 tháng sau khi biến thể Omicron mới xuất hiện.
Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng đã điều chỉnh kỳ vọng trong quý I năm nay từ thặng dư 70.000 thùng/ngày sang thiếu hụt 20.000 thùng/ngày do nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới cùng giai đoạn được điều chỉnh tăng 160.000 thùng/ngày.
Đây cũng là quan điểm mà Tổ chức Năng lượng Quốc tế đưa ra trong báo cáo chiều qua. Theo đó, IEA cũng điều chỉnh tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong cả năm 2022 thêm 200.000 thùng/ngày, nhờ nhu cầu đi lại trên thế giới tiếp tục phục hồi khi các lệnh hạn chế di chuyển ngày càng được dỡ bỏ.
Như vậy, hiện tại cả 3 tổ chức là EIA, OPEC và IEA đều cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong cuối năm nay không chỉ quay lại mức tiêu thụ 100 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2019 mà còn đạt đến mức cao nhất mọi thời đại 101 triệu thùng/ngày trong cuối năm 2022.
Kỳ vọng sản lượng sẽ bắt kịp nhu cầu trong năm nay
Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ tăng không đồng nghĩa với việc chắc chắn giá sẽ còn tiếp tục tăng. Mặc dù trong tháng 1, EIA đã nâng kỳ vọng giá dầu Brent trung bình trong năm 2022 từ 70 USD/thùng lên 75 USD/thùng, tuy nhiên có thể thấy rõ ràng con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so mức giá hiện tại. Điều này gợi ý rằng có khả năng giá dầu có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh từ mức giá này.
Nguyên nhân mà EIA đưa ra là sản lượng dầu trên thế giới sẽ sớm đuổi kịp và tăng trưởng vượt nhu cầu. Theo kế hoạch, các thành viên và đồng minh OPEC sẽ tăng sản xuất thêm 3,4 triệu thùng/ngày sau khi thỏa thuận kết thúc vào tháng 9/2022.
Thêm vào đó, sản lượng dầu thô của nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD cũng sẽ tăng lên đáng kể, với sự dẫn đầu của ngành dầu đá phiến tại Mỹ.
Điều này có thể khiến cho nguồn cung thặng dư 500.000 thùng/ngày trong cả năm. IEA thậm chí còn cho rằng tổng sản lượng dầu thế giới có thể tăng thêm 6,2 triệu thùng/ngày từ giờ đến cuối năm, tạo ra “thặng dư đáng kể”. Ngay chính nội bộ OPEC cũng không loại trừ khả năng tình trạng dư cung sẽ diễn ra trong năm nay.
Khác biệt của 3 báo cáo tháng với các dự đoán trên thị trường hiện tại
Tuy vậy, khác với thường lệ, các dự báo có phần tiêu cực cho giá dầu lần này chưa thể cản trở đà tăng của giá hiện tại. Ngược lại, trên thị trường ngày càng nhiều dự báo giá dầu có thể chạm đến mức 100 USD/thùng trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu của sự khác biệt này chính là đánh giá về năng lực sản xuất dầu của các nước thành viên và đồng minh OPEC .
Trong tuần này, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã nâng dự báo giá Brent trong năm 2022 lên mức 100 USD/thùng, tiếp theo là các tổ chức khác như JP Morgan Chase hay UBS.
Nguyên nhân lớn nhất được chỉ ra đó là khả năng gián đoạn đột ngột của nguồn cung, khi mà tồn kho dầu của OECD đã xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm. Trữ lượng dầu thấp là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng sụt giảm đột ngột trong thời gian ngắn Ecuador, Libya, hay các vụ hỏa hoạn tại cơ sở dầu của UAE, Iraq tạo ra phản ứng rất mạnh đến giá dầu.
Bên cạnh đó là việc sản lượng thực tế của OPEC liên tục đạt dưới chỉ tiêu, gây ra lo ngại nhóm sẽ không thể khôi phục sản lượng như kỳ vọng. Sản lượng dầu của quốc gia sản xuất lớn thứ hai trong nhóm là Nga đang có dấu hiệu chững lại trong những tháng gần đây. Giá dầu suy yếu trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 khiến cho các công ty dầu khí nước này cắt giảm các khoản đầu tư để duy trì và gia tăng sản lượng.
Theo nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), cho đến khi sản lượng dầu được bảo đảm sẽ duy trì ổn định và có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng, thị trường vẫn sẽ ở trong giai đoạn bất ổn và khiến cho giá dầu biến động lớn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()