Liệt hai chân vẫn vững tin vào giảng đường đại học
Sinh viên tình nguyện khiêng xe lăn giúp Hoàng. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam ) |
Sáng nay, để đưa được thí sinh Phạm Vũ Hoàng lên phòng dự thi ở tầng 3, các sinh viên tình nguyện của Học viện Bưu chính viễn thông đã giúp em khiêng xe lăn qua từng bậc thang lên xuống. Hình ảnh ấy khiến các thí sinh, phụ huynh đến làm thủ tục dự thi không khỏi xúc động.
Vào thẳng… lớp 5
Phạm Vũ Hoàng là thí sinh đến từ trường Trung học phổ thông Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Em bị liệt hai chân từ khi mới tròn 1 tuổi.
Nhớ lại những tháng ngày kinh hoàng nhất của đời mình, chị Nguyễn Thị Thịnh, mẹ Hoàng, vẫn không khỏi xúc động. Khi đó, Hoàng đang ngồi chơi ở trên hè thì bị ngã, lăn qua bậc hè, rơi xuống sân. Bậc hè thấp, lại thấy Hoàng chỉ bị xây sát nhẹ ở da đầu, vẫn bú và chơi bình thường nên chị nghĩ con không sao. Nhưng 3 ngày sau thì Hoàng khóc, bỏ bú. Chị vội vàng đưa con lên bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh, nhưng chỉ 1 tuần sau, bác sĩ kết luận Hoàng đã bị liệt hai chân. Một kết cục hoàn toàn không bao giờ ngờ tới, chị Thịnh gần như lịm đi. “Tôi cảm thấy mọi thứ như tối sầm trước mặt. Thế là mãi mãi, từ khi sinh ra, con tôi chưa bao giờ và không bao giờ được đứng trên đôi chân mình, được bước đi dù chỉ là một bước nhỏ thôi,” chị Thịnh nghẹn ngào nói. Chị bảo, nỗi đau buồn vì con khiến chị gầy gò như một xác ve, chỉ còn có 39 kg.
Không thể tự đi lại trong khi gia đình lại khó khăn nên khi đến tuổi đi học, Hoàng vẫn không được đến trường. Mỗi tối, sau khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc với đồng áng, vợ chồng chị Thịnh lại tranh thủ dạy con học chữ. Nhưng cũng chỉ dạy được cho Hoàng hết bảng chữ cái.
Biết chữ, Hoàng mày mò tự học, tự ghép vần, tự học các con số, các phép tính. Hết sách lớp 1 rồi sách lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5. Nhớ lại những tháng ngày thơ bé của con, chị Thịnh không khỏi xót xa. Chị bảo, Hoàng cứ thui thủi như thế, không được đi học, ít bạn, nên em rất buồn, chỉ lấy sách làm niềm vui. Mẹ biết con ham học, muốn đến trường, nhưng phải lo cho gia đình với 5 miệng ăn nên đành chịu.
Mãi đến năm 2004, khi kinh tế bớt khó khăn, vợ chồng chị mới đưa Hoàng đi học. Thấy con đã làm được các bài toán lớp 5 nên anh chị đến trường Tiểu học Công Minh xin cho con học, ban đầu là học dự thính, để con được hòa nhập chứ không tham vọng về bằng cấp. Nhưng hết năm học, nhận thấy Hoàng học tốt nên nhà trường đã đề nghị cho em được thi tốt nghiệp. Thế là, trước kỳ thi chỉ có 3 ngày, cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Thu Hiền tất tả chạy lên phòng giáo dục và đào tạo, xin cho cậu học trò của mình được đặc cách dự thi. Đỗ tốt nghiệp, Hoàng chính thức có tên trong danh sách học sinh được chuyển lên lớp 6.
Ước mơ là kỹ sư công nghệ thông tin
Suốt những năm tháng ấy, gia đình phải cắt cử người đưa đón Hoàng. Không phụ lòng cha mẹ, Hoàng luôn là học sinh tiên tiến, có năm là học sinh giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, Hoàng được 10 điểm môn toán, môn lý đạt 9,5 điểm.
Hoàng bảo, em đăng ký thi vào Học viện Bưu chính viễn thông vì công nghệ thông tin là lĩnh vực em đam mê từ nhỏ. Hơn nữa, nó cũng phù hợp với điều kiện thể lực của em.
Ở quê nên Hoàng không biết năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế mới, xét miễn thi cho thí sinh khuyết tật. Đến khi tới làm thủ tục dự thi, được Hội đồng thi thông báo, Hoàng mới biết. Do đó, Hội đồng thi quyết định vẫn để Hoàng tiếp tục thi như những thí sinh bình thường. Ngoài ra, đến buổi thi cuối, gia đình sẽ bổ sung giấy tờ chứng minh mức độ khuyết tật để nhà trường xem xét. Lỡ cơ hội được miễn thi hoàn toàn, nhưng Hoàng lại tỏ ra rất vui: “Nếu được miễn thi, em rất mừng. Nhưng em cũng muốn dự thi để khẳng định năng lực bản thân,” Hoàng chia sẻ.
Để kịp đưa Hoàng từ Hải Dương ra Hà Nội dự thi, chị Thịnh đã phải cố gắng gặt thật nhanh, thu hoạch cho xong vụ lúa chiêm. Tháp tùng chuyến lai kinh ứng thí này của Hoàng có tới 4 người, gồm bố, mẹ, chú và anh trai.
Hiện Hoàng và người thân đã được Học viện Bưu chính viễn thông bố trí ở trong ký túc xá của trường để thuận tiện cho em trong việc đi lại. Mỗi buổi thi, các sinh viên tình nguyện sẽ hỗ trợ em trong việc lên xuống các bậc thang.
“Cảm ơn nhà trường và các bạn sinh viên đã giúp đỡ. Tôi cũng cầu mong con thi đậu. Dù khi ở xa, con sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tương lai của Hoàng sẽ sáng láng hơn. Bố mẹ dù có thương con đến mấy cũng không thể trái quy luật tạo hóa để theo con đến hết cuộc đời,” chị Thịnh xúc động nói.
Ý kiến ()