Liên quân lại ném bom, bắn phá Li-bi
* Dư luận quốc tế phê phán Nghị quyết 1973 * Li-bi yêu cầu HĐBA LHQ triệu tập cuộc họp khẩn cấp * Một máy bay F-15E của Mỹ bị rơi Theo các nguồn tin nước ngoài, vào lúc 19 giờ GMT ngày 21-3 (2 giờ ngày 22-3 giờ Việt Nam), lực lượng liên quân lại tiếp tục ném bom và bắn tên lửa vào các vị trí của Li-bi, trong đó có một sân bay, cảng biển và đường ống dẫn dầu ở gần Thủ đô Tơ-ri-pô-li. Lực lượng phòng không Li-bi bắn trả yếu ớt. Roi-tơ cho biết, một máy bay F-15E của Mỹ bị rơi ở gần TP Ben-ga-đi. Người phát ngôn quân sự Mỹ V.Cro-li nói rằng, máy bay bị rơi là do sự cố về máy móc chứ không phải bị bắn.Ngay sau đợt tiến công trong đêm thứ ba liên tiếp, Người phát ngôn Chính phủ Li-bi I-bra-him Mút-xa đã tổ chức họp báo kịch liệt phản đối vụ tiến công nêu trên của liên quân. Ông nêu rõ, các nước phương Tây đã không kích Li-bi liên tiếp kể cả sau khi các quân đội Li-bi tuyên bố ngừng bắn toàn diện và...
* Dư luận quốc tế phê phán Nghị quyết 1973
* Li-bi yêu cầu HĐBA LHQ triệu tập cuộc họp khẩn cấp
* Một máy bay F-15E của Mỹ bị rơi
Theo các nguồn tin nước ngoài, vào lúc 19 giờ GMT ngày 21-3 (2 giờ ngày 22-3 giờ Việt Nam), lực lượng liên quân lại tiếp tục ném bom và bắn tên lửa vào các vị trí của Li-bi, trong đó có một sân bay, cảng biển và đường ống dẫn dầu ở gần Thủ đô Tơ-ri-pô-li. Lực lượng phòng không Li-bi bắn trả yếu ớt. Roi-tơ cho biết, một máy bay F-15E của Mỹ bị rơi ở gần TP Ben-ga-đi. Người phát ngôn quân sự Mỹ V.Cro-li nói rằng, máy bay bị rơi là do sự cố về máy móc chứ không phải bị bắn.
Ngay sau đợt tiến công trong đêm thứ ba liên tiếp, Người phát ngôn Chính phủ Li-bi I-bra-him Mút-xa đã tổ chức họp báo kịch liệt phản đối vụ tiến công nêu trên của liên quân. Ông nêu rõ, các nước phương Tây đã không kích Li-bi liên tiếp kể cả sau khi các quân đội Li-bi tuyên bố ngừng bắn toàn diện và chấm dứt mọi hành động quân sự. Đài Truyền hình Nhà nước Li-bi cho biết, có nhiều dân thường chết và bị thương trong đợt ném bom, bắn phá mới.
Lực lượng Mỹ và Anh cho biết, trong ba ngày qua, họ đã bắn vào Li-bi 159 quả tên lửa hành trình Tô-ma-hốc. Theo Bộ Quốc phòng Pháp, không quân Pháp đã tiến hành 55 phi vụ ném bom tại Li-bi. Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, Tướng Ca-tơ F.Ham cho biết, liên quân tiếp tục mở rộng vùng cấm bay về phía nam và tây, bao gồm cả Thủ đô Tơ-ri-pô-li. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma nhắc lại mục đích của Mỹ là Tổng thống Ca-đa-phi 'phải ra đi'. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép ngày 21-3 khẳng định, Nga bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 của HĐBA, nhưng sẽ không tham gia bất cứ hoạt động quân sự nào liên quan vấn đề lập vùng cấm bay hoặc các chiến dịch quân sự trên bộ tại Li-bi.
* Ngày 21-3, Bộ trưởng Ngoại giao Li-bi Mu-sa Ku-sa đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận 'cuộc xâm lược quân sự chống Li-bi', một nước độc lập có chủ quyền và là thành viên của LHQ. Trung Quốc, nước giữ chức Chủ tịch HĐBA trong tháng 3 đã có cuộc tham vấn với các nước thành viên HĐBA về đề nghị của Li-bi, nhưng quyết định bác bỏ yêu cầu nêu trên của Li-bi. Thay vào đó, HĐBA LHQ sẽ họp vào ngày 24-3 và nghe Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun tóm tắt tình hình tại Li-bi sau bảy ngày cơ quan này thông qua Nghị quyết 1973 cho phép áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này, như đã nêu trong Nghị quyết 1973.
* Ngày 21-3, Thủ tướng Nga V.Pu-tin đã phê phán Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ là 'lời kêu gọi một cuộc Thập tự chinh thời Trung cổ', vì nó bật đèn xanh để nước ngoài can thiệp công việc của một quốc gia có chủ quyền. Thủ tướng Pu-tin khẳng định 'không có lô-gích hoặc lý trí nào trong hoạt động can thiệp quân sự từ bên ngoài này'. Ông bác bỏ việc bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp các cuộc xung đột chính trị nội bộ và nhấn mạnh, việc sử dụng vũ lực đối với các quốc gia khác đã trở thành một xu hướng rõ ràng trong chính sách của Mỹ và xu hướng này đã và đang gây 'nhiễu loạn'.
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đang đối mặt chỉ trích ngày càng tăng của các nghị sĩ QH đảng Dân chủ và Cộng hòa. Chủ tịch Hạ viện Mỹ G.Bô-e-nơ, Chủ tịch Ủy ban Các dịch vụ vũ trang Hạ viện Mỹ H.Mắc Kê-ôn và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ I.R.Lê-ti-nen đều đưa ra nhiều nghi vấn đối với cuộc không kích Li-bi. Bà I.R.Lê-ti-nen cho rằng, Tổng thống Ô-ba-ma 'chưa xác định rõ cho người dân Mỹ về lợi ích an ninh cơ bản mà Mỹ có trong cuộc tiến công Li-bi'. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi triệu tập cuộc thảo luận tại QH và có thể bỏ phiếu về chiến dịch của Mỹ tại Li-bi. Hạ nghị sĩ Dân chủ M.Hon-đa nêu rõ, những mỏ dầu lớn của Li-bi chứ không phải vấn đề về nhân quyền là động lực thúc đẩy các cuộc tiến công của liên quân vào Li-bi. Ông cho rằng Lầu Năm Góc 'đã hành động dựa trên những tính toán về năng lượng của Li-bi'.
Ngày 21-3, nhiều tờ báo tại Mỹ đã đưa tin và bài viết phản đối chiến dịch quân sự của liên quân tại Li-bi. Trang mạng của tờ Bưu điện Húp-phinh-tơn bình luận, Ô-ba-ma đã có quyết định sai lầm khi tham gia tiến công Li-bi. Tờ Nước Mỹ ngày nay cho rằng, thành công của chiến dịch quân sự này vẫn còn mơ hồ. Tờ Thời báo Niu Oóc cho rằng, chiến dịch quân sự này làm gia tăng gánh nặng và 'chủ nghĩa chống Mỹ'.
QH và Thủ tướng Anh đang đối mặt làn sóng phản đối của người dân tại Thủ đô Luân Đôn. Theo Roi-tơ, ngày 21-3, kết quả thăm dò trên trang mạng của hãng tin này cho thấy, 58% trong số 1.643 người được hỏi ủng hộ và 42% người phản đối các cuộc không kích của liên quân vào Li-bi. Các bộ trưởng và giới quân sự Anh vẫn mâu thuẫn về mục đích của chiến dịch không kích vào Li-bi.
Cùng ngày, Tổng thống Nam Phi G. Du-ma tuyên bố không ủng hộ lập luận đòi thay đổi chế độ ở Li-bi. Nam Phi cam kết với lập trường tôn trọng sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Li-bi, phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào ở Li-bi. Tổng thống U-gan-đa U.Mu-xê-vê-ni đã lên án chính sách hai mặt của phương Tây trong vấn đề Li-bi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()