'Liên minh Hợp tác xã là đầu mối cho phát triển kinh tế tập thể'
Đến thời điểm này, địa bàn thành phố Hà Nội có 1.909 hợp tác xã, tăng 46 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2018; hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Ngày 13/8, tại buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện công tác 7 tháng của năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao và biểu dương những kết quả Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đạt được trong thời gian qua.
Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã thành phố thực sự là trụ cột, đầu mối cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và là tập thể đoàn kết. Kinh tế tập thể và hợp tác xã đã được quan tâm, có bước phát triển tích cực, đóng góp quan trọng cho kinh tế, xã hội Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh thời gian tới, thách thức đặt ra đối với kinh tế tập thể và hợp tác xã rất lớn nhưng cơ hội còn lớn hơn nhiều. Kinh tế tập thể vẫn luôn là bộ phận không thể tách rời của các nền kinh tế.
Bí thư Thành ủy cho rằng thực tế này đòi hỏi Liên minh Hợp tác xã thành phố, các hợp tác xã phải nỗ lực hơn nữa, tìm các giải pháp phát huy nội lực, khắc phục hạn chế, khó khăn, tận dụng điều kiện thuận lợi của Thủ đô, một thị trường lớn, trung tâm khoa học công nghệ của đất nước, để vươn lên.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Liên minh Hợp tác xã thành phố tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; tích cực tham gia xây dựng văn kiện Đại hội Đảng, đưa các nội dung về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ thành phố.
Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội phải tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, thường xuyên nắm bắt tình hình, nhất là những khó khăn, vướng mắc của kinh tế tập thể, hợp tác xã, báo cáo thành phố tìm cách tháo gỡ, cùng các sở, ban, ngành trao đổi để có chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả phát triển kinh tế tập thể.
Trong quá trình đó, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cần tận dụng ưu thế về công nghệ, Internet để chia sẻ, cập nhật, trao đổi thông tin; phát huy cao độ tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các hợp tác xã; thể hiện vai trò tích cực trong tư vấn, hỗ trợ vay vốn cho các hợp tác xã; cải cách hành chính để việc giải ngân Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thực chất, hiệu quả.
Liên minh Hợp tác xã thành phố cần chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã theo hướng cập nhật những kiến thức mới, nâng cao trình độ quản trị. Thay vì đưa đoàn đi nước ngoài học tập kinh nghiệm, có thể mời chuyên gia nước ngoài đến giảng cho số lượng nhiều người hơn, thiết thực hơn.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đại biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho biết trong 7 tháng qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã của Thủ đô Hà Nội ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ.
Các hợp tác xã đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình. Số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã thành lập mới tiếp tục tăng. Nhiều hợp tác xã đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất và hiệu quả được nâng lên.
Các mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều.
Các hợp tác xã đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội nghị giao thương… đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp và mở rộng thị trường. Qua đó, các hợp tác xã đã tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, người lao động.
Hoạt động của hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đã góp phần phát triển văn hóa cộng đồng dân cư, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong đời sống, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: còn có một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa nhận thức rõ về vai trò, vị trí kinh tế tập thể , hợp tác xã nên việc đóng góp xây dựng hợp tác xã chưa được nhiều.
Chính sách hỗ trợ, phát triển hợp tác xã đã được thành phố hết sức quan tâm nhưng trong thực tế nhiều chính sách khó được thực hiện như: chính sách về đất đai, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, xây dựng mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi chưa có sự tập trung, vẫn còn hợp tác xã chưa tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Đến thời điểm này, địa bàn thành phố Hà Nội có 1.909 hợp tác xã, tăng 46 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2018. Các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động đa dạng đáp ứng và khắc phục được khó khăn của kinh tế hộ gia đình như thiếu vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Trong chỉ tiêu năm 2019, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hướng dẫn thành lập mới 50 hợp tác xã. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ Liên minh Hợp tác xã đặt ra là tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ chức thành viên đổi mới phát triển bền vững quan nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, tập huấn; tổ chức chương trình liên kết, phối hợp hoạt động với Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố, sở ngành quận, huyện xây dựng mối liên kết, tiêu thụ sản phẩm./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()