Liên minh châu Âu trợ giúp Tây Phi phát triển và hội nhập
Trong khuôn khổ vòng thảo luận về những ưu tiên tài chính cho 7 năm tiếp theo tại Brussels, Bỉ, ngày 29/10, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói hỗ trợ tài chính giai đoạn 2014-2020 cho Tây Phi. Gói hỗ trợ này trị giá khoảng 6,4 tỷ euro, dành để thúc đẩy đầu tư phát triển và tạo việc làm cho khoảng 300 triệu công dân Tây Phi.
Trong khuôn khổ vòng thảo luận về những ưu tiên tài chính cho 7 năm tiếp theo tại Brussels, Bỉ, ngày 29/10, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói hỗ trợ tài chính giai đoạn 2014-2020 cho Tây Phi. Gói hỗ trợ này trị giá khoảng 6,4 tỷ euro, dành để thúc đẩy đầu tư phát triển và tạo việc làm cho khoảng 300 triệu công dân Tây Phi.
Phóng viên tại Brussels dẫn lời Cao ủy châu Âu về phát triển Andris Piebalgs (Ăng-đơ-rít Pi-e-ban), nêu rõ Tây Phi hiện phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, khủng hoảng lương thực do hạn hán. Sự trợ giúp này của EU cho khu vực Tây Phi cũng là góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là minh chứng cho cam kết của EU đầu tư vào Tây Phi để giúp các quốc gia tiến nhanh trên con đường phát triển, đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực.
Tuần trước, lãnh đạo các quốc gia Tây Phi đã nhất trí củng cố liên minh hải quan khu vực bằng cách thông qua một bảng thuế chung. Thỏa thuận này góp phần gắn kết thị trường chung Tây Phi, đồng thời, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng những ưu đãi về kinh tế và xã hội bằng cách đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực. EU, đối tác chính của Tây Phi về hội nhập, rất ủng hộ thỏa thuận này.
Trong tổng số tiền mà EU trợ giúp Tây Phi, 1,2 tỷ sẽ dành cho các chương trình khu vực giai đoạn 2014-2020. Riêng đối với năm 2013, EU đã dành gói ngân sách trị giá 150 triệu euro để giúp Tây Phi tăng cường hội nhập khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế tiểu vùng và tăng cường kết nối giữa các nước trong khu vực. Ngoài ra, gói hỗ trợ này của EU cũng hướng tới việc xây dựng hành lang Abidjan-Dakar để hoàn thành con đường cao tốc liên châu Phi, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra cho sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ của EU cũng giúp chống nạn rửa tiền, giảm các hoạt động tội phạm liên quan đến “tiền bẩn” như buôn bán ma túy, tham nhũng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()