Liên minh châu Âu sẵn sàng áp thuế đáp trả nhằm vào ôtô Mỹ
Ngày 19/7, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ có biện pháp đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với ôtô của liên minh này.
Phát biểu tại một hội nghị do Quỹ German Marshall của Mỹ tổ chức ở Brussels của Bỉ, bà Malmstrom nhấn mạnh giới chức EU đang chuẩn bị một danh sách gồm các biện pháp áp thuế đáp trả đối với ôtô của Mỹ, tương xứng với các mức thuế mà Washington đang xem xét đưa ra nhằm vào mặt hàng tương tự của EU.
Bà nhấn mạnh biện pháp này sẽ được thực hiện giống như với các sản phẩm nhôm và thép.
Quan chức châu Âu này cho rằng không thể phủ nhận tình trạng dư thừa thép trên thế giới, song việc hai bên có chính sách áp thuế lẫn nhau là một “thảm họa”.
Ủy viên EU nhấn mạnh các biện pháp thuế đối với ôtô là điều không mong muốn mà cũng không được đảm bảo.
Giải pháp này sẽ chỉ mang lại các rắc rối cho cả hai bên và điều tồi tệ nhất là đây là động thái phi pháp nhằm gây tác động đến các cuộc đối thoại thương mại.
Dự kiến, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker và bà Malmstrom sẽ tới Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump vào tuần tới nhằm thuyết phục ông chủ Nhà Trắng gỡ bỏ các mức thuế đối với thép và ngừng áp thuế đối với ôtô nhập khẩu từ EU.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU gia tăng sau khi Washington áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đầu tháng Bảy này, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% đối với mọi ôtô lắp ráp tại EU.
Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một tài liệu dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ôtô của chính nước Mỹ và Washington có thể đối diện với nhiều biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại trị giá tới 294 tỷ USD.
Không chỉ đe dọa áp thuế, Mỹ còn cảnh báo trừng phạt các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran trong bối cảnh Tổng thống Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhà nước Hồi giáo này sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi năm 2015./.
Ý kiến ()