Liên minh châu Âu kéo dài "Chiến dịch Sophia" trên Địa Trung Hải
Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/7 đã gia hạn sứ mệnh của lực lượng hải quân của khối này hoạt động trên Địa Trung Hải, còn gọi là "Chiến dịch Sophia" nhằm trấn áp nạn buôn người cũng như làm nhiệm vụ giám sát tình trạng buôn lậu dầu trái phép từ Libya.
Chiến dịch trên, gồm các tàu và máy bay hải quân giám sát Địa Trung Hải, có nhiệm vụ phá vỡ các mạng lưới buôn người và huấn luyện cho lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya nhằm ngăn chặn dòng người di cư liều lĩnh vượt biển từ Libya tới Italy trên những chiếc tàu thô sơ, nguy hiểm.
Theo kế hoạch, Hội đồng châu Âu quyết định gia hạn cho chiến dịch đến cuối năm 2018, sau khi hết hạn ngày 20/7, để tiến hành các hoạt động giám sát và thu thập thông tin tình báo về hoạt động xuất khẩu dầu lậu từ Libya, kiểm tra chất lượng huấn luyện của các thành viên lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên EU và các cơ quan thực thi pháp luật.
Trước đó, tại cuộc họp diễn ra ngày 18/7, EC đã quyết định không kéo dài “Chiến dịch Sophia” do bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả.
Một số nghị sỹ Anh thậm chí cho rằng chiến dịch này đã thất bại trong việc ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu qua tuyến đường biển đầy nguy hiểm ngoài khơi Libya, và không nên tiếp tục hoạt động trong bối cảnh hiện nay.
“Chiến dịch Sophia” được triển khai vào năm 2015 tuy nhiên, theo báo cáo được các nghị sỹ của ủy ban chuyên trách các vấn đề EU thuộc Hạ viện Anh công bố, lực lượng này không thể tới vùng biển Libya mà không có lời mời từ phía chính phủ nước này.
Trong khi đó, Libya lại đang chìm trong bạo lực và bất ổn chính trị. Báo cáo nhấn mạnh chiến dịch quá tốn kém và không thể ngăn cản người di cư tới châu Âu qua tuyến đường chết chóc này./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()