Liên minh châu Âu giúp Brazil lấy lại lòng tin người tiêu dùng
Trong một nỗ lực nhằm giúp Brazil lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, các quan chức hàng đầu của châu Âu đã bắt đầu chuyến thăm quốc gia Nam Mỹ và cùng thảo luận với các quan chức nhằm giúp nước này vượt qua “cơn khủng hoảng” của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu thịt.
Ngay sau khi các nhà điều tra Brazil phát hiện ra vụ bê bối thịt bẩn, có tới 22 thị trường trong tổng số 150 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu thịt của Brazil đã ngừng mua thịt của nước này. Mặc dù cho đến nay đã có một số quốc gia dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Brazil nhưng vụ bê bối vẫn có ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp xuất khẩu thịt của quốc gia Nam Mỹ.
Theo Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis: “Đó không phải là các lệnh cấm mà là vấn đề khôi phục lòng tin. Đó là sức khỏe của người dân. Đó là lòng tin trong thương mại”.
Ông Andriukaitis từ chối nói về những biện pháp mà EU có thể thực hiện trong những ngày tới nhưng ông cho biết sẽ thảo luận về một “hệ thống kiểm soát chính thức có hiệu quả” với Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi.
Quá trình điều tra liên quan đến bê bối thịt bẩn đang được Brazil tiến hành tại 21 công ty. Ngoài ra, 15 công ty khác cũng không được phép xuất khẩu, mặc dù họ vẫn có thể sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước. Ngày 27/3, nước này đã yêu cầu thêm 3 cơ sở chế biến thực phẩm ở bang Parana đóng cửa, nâng tổng số cơ sở phải tạm thời đóng cửa lên con số 6 trong tổng số 21 nhà máy thuộc diện điều tra của cảnh sát.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Ngoại thương Brazil ngày 27/3 cho biết, ngành xuất khẩu thịt của Brazil đã giảm 19% trong vòng 10 ngày qua. Trung bình, xuất khẩu thịt của nước này đã giảm từ mức 62,2 triệu USD mỗi ngày (thời điểm trước khi xảy ra bê bối) xuống còn 50,5 triệu USD mỗi ngày vào tuần trước.
Ngày 18/3, các nhà điều tra Brazil phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng được đưa ra thị trường tiêu thụ, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất gây ung thư để làm sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm. Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số một thế giới và đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn. Vụ bê bối xảy ra đúng lúc giới chức nước này đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết một hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Brazil là thành viên./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()