Liên minh châu Âu gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga
Ngày 22/6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng liên quan tới tình hình tại miền Đông Ukraine.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nêu rõ: “EU nhất trí sẽ gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì nước này không thực hiện Thỏa thuận Minsk.” Quyết định trên sẽ được chính thức hóa vào tháng 7 và có hiệu lực vào ngày 31/7, khi các biện pháp hiện tại hết hạn.
EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga hồi tháng 7 và tháng 9/2014 với cáo buộc về vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.Tháng 12/2016, EU gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng đến ngày 31/7/2017.
Cũng liên quan tới vấn đề này, trong cuộc điện đàm ngày 22/6 với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới mà Washington áp đặt đối với Nga sẽ làm tổn hại quan hệ giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời ông Lavrov khẳng định: “Những hành động kiểu này đặt toàn bộ phạm vi mối quan hệ Nga – Mỹ vào nguy cơ nghiêm trọng.” Ông lưu ý ngay cả khi chưa có những biện pháp trừng phạt mới này thì mối quan hệ hai nước hiện nay đã và đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Ngoại trưởng Lavrov cũng nhấn mạnh Moskva vẫn đang đợi câu trả lời của Washington đối với các đề xuất trước đó nhằm cải thiện quan hệ, và những hành động mới đây nhất của Mỹ tại Syria đã vi phạm chủ quyền của quốc gia Trung Đông này.
Trước đó, ngày 20/6, Mỹ đã liệt 38 cá nhân và các tổ chức vào danh sách trừng phạt với cáo buộc gây ra xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong 3 năm qua, các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cao gấp đôi mức tổn thất kinh tế của Nga. Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc chuyên nghiên cứu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương, Idriss Jazairy, cho biết tính trung bình, các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho các nước áp dụng lệnh trừng phạt 3,2 tỷ USD/tháng. Trong khi đó, Nga mất khoảng 52-55 tỷ USD, tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội của nước này./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()